TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121480
Số người đang truy cập:
194


Văn hoá xã hội

Nón Huế10/09/2008


“Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
 Trời mùa thu mây che có nắng đâu…”

Làm sao để duy trì, phục hồi nón Huế, giới thiệu hình ảnh nón Huế đến du khách

Hình ảnh những cô nữ sinh Đồng Khánh e ấp trong tà áo dài cùng chiếc nón bài thơ xứ Huế, hình ảnh các chị, các mẹ đội trên đầu chiếc nón lá đã dần mất đi trên đường phố Huế. “Bây giờ nón lá trở thành vật trang trí (tác phẩm sắp đặt của hoạ sĩ Đinh Khắc Thịnh là một ví dụ – PV), thành quà lưu niệm cho du khách. Nhưng những chuyện kiểu thế này thì một năm được mấy lần và bán được bao nhiêu nón? Làm sao để duy trì, phục hồi nón Huế, giới thiệu hình ảnh nón Huế đến du khách để khi đến Huế, du khách nghĩ ngay đến nón Huế và phải mua nón Huế?” – Ông Đỗ Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nói.

Nón Huế trước những thách thức

Nghề làm nón không chỉ có Thừa Thiên Huế (TTH) mà phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước từ làng Chuông (Hà Tây) đến Thổ Ngoạ (Quảng Bình), Gò Găng (Bình Định)… Tuy nhiên nón lá Huế có một đặc trưng rất riêng đó là mỏng, nhẹ, thanh cảnh nhìn vừa mềm mại vừa đẹp, lại chắc, bền. Chất lượng và danh tiếng nón lá Huế có được là nhờ làm nên từ vật liệu đặc trưng của địa phương với kỹ thuật chằm nón truyền thống vùng Huế mà đặc biệt là sự khéo léo của những phụ nữ đất Cố đô. Điểm đặc biệt của nón Huế là khâu kỹ thuật làm nón: lá nón được chọn sao cho dù khô lá vẫn còn giữ được màu xanh nhẹ (lá nón loại này chỉ có ở vùng núi Nam Đông, A Lưới), vành nón mảnh, được vót tròn trĩnh, công phu. Lá được ủi nhiều lần và cẩn thận cho thật phẳng và láng. Khung chằm (khuôn nón) phải được đặt là ở thợ chuyên môn có kinh nghiệm để dáng nón sau này đẹp mắt. Khi xây và lợp lá, người thợ phải thật khéo nhất là khâu sử dụng lá chẽm, tránh việc chồng nhau nhiều lớp để nón thanh và mỏng, đường kim mũi chỉ chằm phải sát để kẽ lá ôm khít nhau. Nón chằm hoàn tất được phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để nón bóng láng và giữ được độ bền. Nón lá Huế, vì thế, từ lâu đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được du khách quốc tế ưa chuộng. Nhờ nghề làm nón, nhiều hộ nông dân có thêm việc làm và thu nhập lúc nông nhàn.

Tuy nhiên nghề làm nón lá ở Huế đang đứng trước những thách thức, đó là thu nhập thấp và không ổn định. Trên thực tế, giá mỗi loại nón chỉ dao động từ 6.000-10.000 đồng/chiếc đối với nón thường (nón chợ) và 20.000-30.000 đồng/ chiếc đối với nón loại dày (nón đặt). Trong khi mỗi ngày người thợ chỉ chằm được 1 chiếc nón đặt hoặc 3-4 chiếc nón chợ. Mức thu nhập của người thợ vì thế cũng quá thấp làm cho họ không thể chuyên tâm với nghề. Nguyên liệu làm nón cũng ngày càng khan hiếm do nạn chặt phá rừng ồ ạt và việc khai thác lá nón không có tính bền vững làm cho diện tích vùng nguyên liệu lá nón bị thu hẹp. Nghề khai thác lá nón cũng là nghề nhọc nhằn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ không thuận lợi do sự phát triển ồ ạt của các loại mũ vải thời trang và mũ bảo hiểm – loại mũ đã được quy định bắt buộc đối với những người đi xe máy – đang làm cho nón lá mất đi chỗ đứng của nó.

Bài giải cho nón Huế

Theo ông Đỗ Nam, một bài giải cho nón Huế chính là gắn sản phẩm của nón lá với chỉ dẫn địa lý “Huế”. “Từ lâu Huế đã nổi tiếng là thành phố văn hoá, du lịch. Phải gắn sản phẩm của ta với chỉ dẫn địa lý này để khi đến Huế người ta nghĩ đến nón lá. Nếu làm được, Huế sẽ có thêm một tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT). Trên thế giới đã có những tài sản SHTT hàng tỉ USD; mình không thể đạt được đến ngưỡng đó nhưng nếu không xây dựng thì ta không bao giờ có được. Năm ngoái nhờ chiếc tem thanh trà HTX Thuỷ Biều mà thanh trà đã được bán với giá 15.000đồng/quả tại hội chợ thương mại ở Đà Nẵng, nếu không có chiếc tem thương hiệu này thì thanh trà không thể được giá như thế”, ông Đỗ Nam đưa ra một ví dụ.

Để xây dựng chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá Huế sẽ có nhiều việc làm phải đặt ra và đây cũng chính là nội dung mà dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá của tỉnh TTH” đưa ra, đó là: phải xác định các yếu tố đặc thù và chứng minh được nón Huế đặc biệt như thế nào để làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký. Tiếp theo là đăng ký chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm này và trao quyền sử dụng cho tổ chức quản lý quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (đó chính là Hội nón lá Huế sẽ được thành lập). Sau đó, sẽ phải có phương án về đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo đảm tính bền vững của chỉ dẫn địa lý sau khi được xác lập; xây dựng các giải pháp hợp lý cho việc thu mua và phân phối sản phẩm. Một việc làm cũng rất cần thiết là gắn các hoạt động của làng nghề nón lá Huế và sản phẩm nón lá Huế với các hoạt động của ngành du lịch; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho nón lá Huế.

Hiệu quả từ việc xây dựng thương hiệu

Dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện khắc phục những khó khăn của nghề làm nón hiện nay, đặc biệt là tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho một số lượng lớn thợ thủ công và học sinh sau giờ học. Đây cũng là một dự án góp phần cùng Sở Công nghiệp thực hiện Đề án “Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010” trong đó có quy hoạch phát triển làng nghề nón lá Huế kết hợp với du lịch trở thành điểm đến du lịch của thành phố Festival Huế.

Cùng với nhiều sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường, với chỉ dẫn địa lý “Huế”, nón lá Huế sẽ có thương hiệu, sẵn sàng cho hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng là đề tài đầu tiên mở đầu cho Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp – một chương trình nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ SHTT; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Thời gian tới, Sở KHCN sẽ tiếp tục chọn một số dự án để đề xuất vào danh mục các dự án của chương trình này.

 Đỗ Ngọc

 Các tin khác:
 

Người mang cái tâm về với cội nguồn10/09/2008

 

Nguyễn Đình Chiểu, người Chiến sĩ trung kiên – Nhà Văn hoá lớn22/08/2008