Hiện tượng xâm thực đã hủy hoại nhiều công trình xây dựng, dân dụng, làng mạc, khu dân cư…đe dọa cuộc sống của con người. Lâu nay, để bảo vệ bờ biển trước hiểm họa xói lở người ta thường dùng công trình cừ, kè, đê, đập…được xây dựng bằng các vật liệu như đá, xi măng…Người ta thường gọi đó là “công trình cứng”. Công trình cứng có tác dụng ngăn chặn sóng biển tác động vào bờ, nhưng nó cũng bị năng lượng rất lớn từ sóng biển phá hủy. Vì vậy, người ta phải duy tu, sữa chữa rất tốn kém mà vẫn khó có thể tồn tại lâu dài. Công nghệ cứng còn có tác động lên hệ sinh thái, hệ trầm tích, khung không gian, khai thác biển, xói lở hạ lưu, bồi lắng, các hiện tượng hút, đẩy làm mất ổn định các công trình, nguy hiểm cho người tắm biển…Mới đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin: có một công trình đê biển ở Hải Phòng được xây dựng tốn nhiều tỷ đồng, được đánh giá là có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng chỉ qua một trận bão không lớn lắm đã bị phá đi từng mảng dài đến gần ngàn mét.
Gần đây, ở một số nước trên thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Tunisie…đã ứng dụng công nghệ stabiplage để bồi và chống xói lở bờ biển. Công nghệ này được gọi là “công nghệ mềm”. Có thể hình dung công nghệ này như sau: Người ta đặt các tấm phẳng làm bằng vật liệu đặc biệt chống lún và chống xói công trình ở phía dưới. Đồng thời, đặt các túi hình con lươn để bẩy cát, lấy cát tại chỗ vào đầy túi trở thành vật chống tác động của sóng biển. Khi cần thiết, người ta đặt thêm hệ thống neo giữ để chống dịch chuyển.
Về cơ bản, có ba kiểu công trình stabiplage. Thứ nhất là, stabiplage đặt ngầm và song song với vạch bờ có tác dụng làm giảm năng lượng sóng lừng, tạo vùng năng lượng sóng nhỏ cho phép phù sa mịn lắng đọng. Thứ hai là, stabiplage đặt vuông góc với vạch bờ có tác dụng hạn chế dòng ven bờ, tăng cường bồi tụ phù sa ở vùng sau công trình, mà nếu không có công trình thì dòng chảy ven bờ sẽ mang đi. Thứ ba là, stabiplage đặt sát chân cồn để bảo vệ trực tiếp các cồn cát. Công nghệ này phù hợp với nguyên lý mô phỏng thiên nhiên, tái tạo lại bờ biển đã bị xói lở trở về hiện trạng ban đầu. Vì thế, nó không gây hậu quả bất lợi cho môi trường. Không chống lại thiên nhiên, mà trợ giúp cho thiên nhiên, cho phép tái tạo và làm ổn định các bãi biển và bờ sông một cách một cách tự nhiên và bền vững (có thể đến 500 năm), do đó công nghệ stabiblage có thể khắc phục được những hạn chế của công trình cứng.
Ở nước ta, cuối năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiếp cận trực tiếp với công nghệ này từ người phát minh ra nó – ông Jean Comic, một nhà hàng hải người Pháp và Công ty Espace Pur (Cộng hòa Pháp).
Công trình thử nghiệm này có chiều dài 800m tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, nơi được đánh giá là vùng xói lở nặng của tỉnh này. Nhiều nơi bị xâm thực sâu vào đất liền hàng trăm mét, tạo ra những cửa sông, làm biến mất toàn bộ giồng cát cao trên 10 mét và đang tiếp tục đe dọa gây ra hiểm họa khôn lường. Sau khi áp dụng công nghệ stabiplage, không những đã ngăn được hiện tượng xói lở mà bước đầu đã hình thành những giồng cát mới. Hàng năm, địa phương khỏi phải đóng cừ, kè chắn rất tốn kém, nhưng chỉ sau một hai mùa nước thì đâu lại vào đấy, có khi xói lở còn diễn ra mạnh hơn trước.
Công nghệ stabiplage còn có ưu điểm là không sử dụng vật liệu nặng mà sử dụng vật liệu tại chỗ, không cần đến các phương tiện kỹ thuật nặng nề để thi công, thời gian thi công được rút ngắn đáng kể, không cần bảo trì và chi phí đầu tư chỉ bằng 2/3, thậm chí bằng 1/2 so với đầu tư cho công trình cứng.
Ở tỉnh ta, vào tháng 5 năm 2004, một cuộc hội thảo về công nghệ stabiplage đã được tổ chức. Các nhà khoa học tham dự hội thảo đều khẳng định tính ưu việt của công nghệ. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh chủ trì hội thảo đã đưa ra kết luận: tỉnh nhà sẽ triển khai ứng dụng công nghệ stabiplage để chống xói lở cho bờ biển Hòa Duân và Dương Hòa. Công trình sẽ được triển khai ngay và dự kiến hoàn hành vào cuối năm 2004. Rất tiếc là, sau đó không hiểu vì lý do gì mà đến nay, quý III năm 2005, công trình vẫn chưa được triển khai thực hiện. Người dân vẫn mong đợi trong nổi lo sợ, biển vẫn xâm thực vào đất liền, phương tiện thông tin đại chúng vẫn liên tục cảnh báo, nhất là khi mùa mưa đang đến gần.
NVQ (Tổng hợp)
|