TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121473
Số người đang truy cập:
188


Số 8 – Quý IV – 2005

Đất nước, con người

Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum – Nhà khoa học 26 năm làm Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum sinh ngày 03 tháng 5 năm 1913, trong một gia đình viên chức, tại thị xã Kon Tum, chính quán xã Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân sinh ra ông là chủ sự Bưu điện, mẹ là một tiểu thương. Ông bà lấy tên nơi sinh đặt tên cho con.

Suốt thời thơ ấu, cậu bé Kon Tum sống với trẻ em người dân tộc Tây Nguyên nên nói tiếng Êđê thạo hơn tiếng Việt. Khi 11 tuổi, cậu được chuyển về học lớp nhì Tiểu học tại Huế, và 13 tuổi, bước vào năm đầu của bậc học Thành chung, tại Trường Quốc học Huế.

Năm 1930, sau khi tốt nghiệp bằng Thành chung vào loại xuất sắc, cậu Kon Tum được học bổng học tiếp Ban tú tài bản xứ ở Trường Bưởi (Hà Nội).
Năm 1932, Ngụy Như Kon Tum thi đỗ cả 3 bằng tú tài vào hạng xuất sắc. Đó là Tú tài bản xứ, Tú tài Tây ban Toán và Tú tài Tây ban Triết. Sau đó, anh đỗ đầu cả hai kỳ thi chọn học sinh được nhận học bổng của Triều đình Huế và Chính phủ bảo hộ đi du học.

Qua một kỳ thi tuyển, anh đã được vào học tại Trường Đại học Sorbonne nổi tiếng của Pháp ở Paris.

Sau ba năm, anh tốt nghiệp Cử nhân Vật lý, rồi học thêm 3 năm nữa, lấy bằng Thạc sỹ Lý – Hóa vào hạng xuất sắc. Và được sự giúp đỡ của giáo sư Giôlô Quyri, nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng của Pháp, Ngụy Như Kon Tum được làm nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của giáo sư.

Năm 1937, anh xuống tàu về nước và được bổ nhiệm dạy ở Ban tú tài Trường Sát-xơ-lúp (thành phố Sài Gòn cũ). Năm 1941, anh được chuyển về dạy ở Trường Bưởi (Hà Nội) cùng với các giáo sư Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường…Cũng như một số giáo sư khác, giáo sư Ngụy Như Kon Tum không dùng sách giáo khoa soạn và in từ bên Pháp gửi sang, mà tự biên soạn giáo trình riêng của mình.

Năm 1942, tờ báo khoa học đầu tiên ở nước ta ra đời, do giáo sư Nguyễn Xiển sáng lập, số 01 ra ngày 1-1-1942; số cuối cùng, số 33-34, tháng 10-1944. Trước đó, nguyệt san Thanh Nghị chuyên nghị luận, văn chương, khảo cứu do ông Vũ Đình Hòe làm Chủ nhiệm, ra số 1 ngày 25-4-1941; số cuối, số 120 ra ngày 11-8-1945. (Lúc đầu là nguyệt san, rồi đổi thành tuần san). Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là một trong những cây bút chủ lực của hai ấn phẩm này, với đề tài vật lý…
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, giáo sư Ngụy Như Kon Tum làm Giám đốc Đông Dương học xá, một cư xá của sinh viên Việt Nam, ngày nay mở rộng thành Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chiều ngày 22-8-1945, sau cuộc Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, sinh viên, thanh niên, học sinh tổ chức một cuộc mít tinh ở Đông Dương học xá, có mời nhiều nhà trí thức đến dự, trong đó, có giáo sư Nguyễn Văn Huyên, giáo sư Nguyễn Xiển, giáo sư Nguy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường phát biểu ý kiến, đồng thanh ủng hộ Việt Minh. Hôm sau, các vị này cùng ký tên gửi một bức điện đòi nhà Vua Bảo Đại thoái vị và giao quyền cho Việt Minh thành lập Chinh phủ. Thân sinh Ngụy Như Kon Tum là Ngụy Như Bích lúc ấy làm Chủ sự Bưu điện Huế đã trao tận tay bức điện ấy cho Bảo Đại.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giáo sư Ngụy Như Kon Tum làm Giám đốc Trung học vụ kiêm Đổng Lý sự vụ Bộ Quốc gia Giáo dục từ cuối năm 1946 đến hết năm 1950. Trong thời gian này, giáo sư đã biên soạn bộ sách Vật Lý cho các trường, và được in tại Nhà In báo Vui sống ở Phú Thọ. Giáo sư còn nhiệt tình giúp giáo sư Nguyễn Xiển hoàn thành bộ sách Toán học đại cương và cơ học thuần lý, làm tài liệu giảng dạy đầu tiên cho lớp khoa học cơ bản và Trường Sư phạm cao cấp ở Khu học xá Trung ương Nam Ninh, Trung Quốc.

Mùa thu năm 1951, giáo sư được điều động sang giảng dạy ở Khu học xá Trung ương trên đất Trung Quốc. Tại đây, giáo sư tham gia Ban phụ trách Trường Sư phạm cao cấp và là giáo sư vật lý Trường Khoa học cơ bản.

Năm 1954, hòa bình được lập lại. Giáo sự Ngụy như Kon Tum về Hà Nội, dạy vật lý tại Trường Đại học Sư phạm. Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, giáo sư được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên và giữ chức vụ này cho đến khi về hưu vào năm 1982.

Ngoài nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội liên tục trong 26 năm, giáo sư còn tham gia nhiều hoạt động xã hội: là Đại biểu Quốc hội khóa 3 và 4 (1964-1975), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam…

Là Hiệu trưởng một trường Đại học lớn, giáo sư Ngụy Như Kon luôn luôn gắn bó với công tác giảng dạy, được nhiều thế hệ sinh viên đánh giá là một người thầy mẫu mực, một nhà quản lý giáo dục đầy tâm huyết

Là một nhà khoa học, ngay trong năm đầu làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giáo sư đã đem những tri thức vật lý của mình cùng với giáo sư Nguyễn Xiển xây dựng thành công ngành vật lý địa cầu. Giáo sư đã dẫn đầu đoàn khoa học Việt Nam đầu tiên dự Hội nghị Vật lý địa cầu quốc tế ở Matxcơva năm 1957.

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là tác giả nhiều công trình nghiên cứu vật lý hiện đại, đồng thời là một giáo sư tài ba, nhân hậu với cách sống liêm khiết, giản dị, không ham danh vọng, không đòi hỏi gì cho bản thân và gia đình mình.

Trong những năm tháng nghỉ hưu, tuy tuổi đã cao, giáo sư vẫn tham gia biên soạn phần Vật lý của Từ điển Bách khoa Việt Nam, và giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam.

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đã viết về mình như sau: “Đứng về cương vị một người đã trải qua một quá trình đào tạo lâu đời dưới chế độ cũ, được Cách mạng tái sinh và cải tạo, được tham gia nhiều công tác có tính chất lãnh đạo trong nền giáo dục và khoa học suốt từ ngày Cách mạng thành công, tôi xin phép nói lên ở đây tất cả cái vinh quang mà Cách mạng đã đem lại cho những người trí thức chúng tôi, cái vinh quang được đem tất cả tài năng và sức lực của mình đóng góp vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, xây dựng cho đất nước giàu mạnh, có một nền chính trị và văn hóa độc lập, tiên tiến trên cơ sở một nền kinh tế tự chủ”. (1)

Giáo sư mất ngày 23-8-1991. Thi hài được đưa vào nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

CHÚ THÍCH:

(1)Tiếng Việt và dạy học đại học bằng tiếng Việt – NXBKHXH-1967

 Các bài viết khác:
 

Một nhà khoa học, cán bộ quản lý được tặng danh hiệu

Chọn số:

Chọn chuyên mục: