TIN NHANH
 

.



* Chịu trách nhiệm chính:

       NGUYỄN VĂN QUẾ

* Giấy phép số: 229/GP-BC

* Cấp ngày: 12/12/2005 

Tổng số truy cập:
1121471
Số người đang truy cập:
188


Số 8 – Quý IV – 2005

Văn hóa xã hội

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thơ Tố Hữu

Trong cuộc sống và trong nghệ thuật, hình ảnh người phụ nữ nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng luôn có những vẻ đẹp rực rỡ và cuốn hút. Nhưng lay động sâu xa nhất, thường nhật gõ vào đáy tâm hồn tôi lại là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được biểu đạt bằng loại hình nghệ thuật đặc biệt: thơ ca. Trong vô vàn tác giả đề cập đến đề tài này, sự thích thú của tôi luôn dành chỗ cho một tác giả, một người xứ Huế, cố nhà thơ Tố Hữu.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được thể hiện trong thơ Tố Hữu luôn luôn đẹp và hướng thiện. Một cô gái giang hồ lầm lỡ đến nỗi “Đời em rách nát mà em chưa chồng” và than thở “Thuyền em rách nát còn lành được không” thế mà, với ông vẫn cứ: “Răng không cô gái trên sông; Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài; Thơm như hương nhụy, hoa nhài; Sạch như nước suối ban mai giữa rừng”. Tuy nhiên, những hình ảnh như thế trong thơ Tố Hữu không nhiều. Thơ ông phần lớn là những hình ảnh đẹp, tràn đầy sức sống và sự dũng khí như hình ảnh chị Lý, người con gái Việt Nam bị bắt, bị tra tấn, tù đày, bị “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung”, nhưng không thể giết được em, người con gái anh hùng…Thơ ông luôn là tiếng nói yêu thương, dành dung lượng lớn và tình cảm trân trọng đặc tả hình ảnh người mẹ. Thơ viết về mẹ của nhà thơ bài nào cũng tràn đầy xúc động, thành kính, thiêng liêng: “Bầm ơi”, “Bà Má Hậu Giang”, “Bà mẹ Việt Bắc”, “Mẹ Suốt”, “Mẹ Tơm”, “Quê Mẹ”…Hình ảnh người mẹ trong “Bầm ơi” luôn gợi trong ta nỗi nhớ về người mẹ thân yêu của mình. Đó là bóng dáng người mẹ “run run ngoài ruộng cấy”, dưới “mưa phùn ướt áo tứ thân”. Rồi hình ảnh “chân lội dưới bùn tay cấy mạ non” của mẹ là một hình ảnh nhớ thương không thể nào quên, nó luôn luôn in đậm trong tâm khảm của những đứa con xa quê, xa mẹ. Ông Nguyễn Văn Hạnh nhận xét: “Hình ảnh người mẹ trong thơ Tố Hữu là hình ảnh của những người mẹ nghèo khổ, gắn bó với cách mạng, tham gia đấu tranh xã hội. Đó là những người mẹ anh hùng”. Trong tình cảm chung đó, với riêng nhà thơ, ông luôn dành riêng cho người mẹ sinh thành yêu dấu của mình một cảm xúc rất Huế có khi chỉ là tiếng ru của mẹ vẳng trong đêm trường nô lệ xa xưa: “Hà ơi, tiếng mẹ ru nhè nhẹ/Cay đắng bao nhiêu nỗi đoạn trường”. Hình ảnh mẹ luôn hiện lên cùng với hình ảnh xinh đẹp thân thương của quê hương xứ Huế: Huế ơi, quê mẹ của ta ơi/ Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười/ Mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng/ Mưa nguồn gió biển, nắng xa khơi…

Dù đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng một cử chỉ rất nhỏ của mẹ trong một đêm dưới thời thực dân phong kiến luôn luôn hiện về: “Ôi những đêm xưa, tối mịt mùng/ Con nằm bên mẹ, ấm tròn lưng/ Ngoài hiên nghe tiếng giày đi rón/ Mẹ bấm con im, chúng nó lùng”.

Càng hồi tưởng, nhà thơ càng thương xót người mẹ yêu quý đã suốt đời lo lắng, nâng niu, che chở cho con: “Mẹ ơi, đời mẹ buồn lo mãi/ Thắt ruột mòn gan, héo cả tim”. Huế được giải phóng thì “Mẹ không còn nữa”. Con của mẹ lại về quê và “Huế lại về vui giữa cộng hòa”

Với mẹ Tơm, đó là hình ảnh một bà mẹ cách mạng với tất cả tình cảm, hành động và cả dáng dấp trong cuộc sống hàng ngày. Đó là hình ảnh của một người mẹ yêu nước, căm thù giặc và yêu thương những đứa con đang hoạt động cách mạng: “Thương người cộng sản, căm Tây – Nhật/ Buồng mẹ – buồng tim giấu chúng con/ Đêm đêm chó sủa…làng bên động/ Bóng mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn…”.

Còn có lời ngợi ca nào cao quý và cảm động hơn thế. Hình ảnh người mẹ đã hòa lẫn vào hình ảnh non sông, đất nước. Hình ảnh mẹ đã được “tạc tượng” trên quê hương cách mạng Hanh Cát, Hanh Cù. Đồng thời thông qua đó, nhà thơ muốn gửi gắm một triết lý sâu xa về tấm lòng chung thuỷ sâu sắc của nhân dân đối với cách mạng:

Ôi bóng người xưa đã khuất rồi

Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi

Sống trong cát, chết vùi trong cát

Những trái tim như ngọc sáng ngời

Nhân ngày 20-10, xin được phép viết đôi dòng cảm nhận, trước là để tỏ lòng kính yêu trân trọng, quý mến, tự hào với mọi thế hệ phụ nữ Việt Nam, sau là để tự nhủ mình và nhắn gửi mọi người hãy để cho những “Trái tim như ngọc” mãi mãi sáng ngời trong lòng chúng ta.

Vân Anh

 Các bài viết khác:
 

Những giai điệu làm nên chiến thắng

Chọn số:

Chọn chuyên mục: