Tại buổi Lễ phát động Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2005, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng Giải thưởng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu đó.
Đây là năm thứ ba, tỉnh ta tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ (Giải thưởng) nhằm phát hiện các tác giả, nhóm tác giả có những công trình khoa học, công nghệ (KHCN) có giá trị khoa học, kinh tế – xã hội lớn, đồng thời khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến vào sản xuất và đời sống. Qua hai năm triển khai, có 53 đề tài khoa học, giải pháp kỹ thuật thuộc nhiều lĩnh vực tham gia. Ban Chỉ đạo đã chọn trao giải cho 38 đề tài, giải pháp tiêu biểu. Kết quả đó đã bước đầu khẳng định việc ứng dụng và nghiên cứu KHCN trên địa bàn tỉnh ta được chú trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà và đúng với tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 03/8/2004 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết TW 6 (khóa IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2005 và năm 2010. Năm 2005, năm có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối cùng chúng ta phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội 5 năm 2001-2005 và là năm xây dựng kế hoạch 5 năm 2006-2010, mà trong đó đòi hỏi phát triển mạnh KHCN phải gắn với phát triển giáo dục – đào tạo và các hoạt động kinh tế xã hội. Nói cách khác, phát triển KHCN phải gắn chặt với thực tiễn, phục vụ sự phát triển bền vững của tỉnh nhà. Bởi vậy, thông qua Lễ phát động này, tôi mong Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức Giải thưởng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần, kể các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu và hỗ trợ các công trình KHCN triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu tạo đòn bẩy, bước nhảy vững chắc trong lĩnh vực KHCN phục vụ kinh tế – xã hội, sản xuất và đời sống, y tế và giáo dục trên địa bàn. Đặc biệt, cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, nhất là cán bộ khoa học trẻ của các trường thành viên Đại học Huế, tiếp cận nhiều hơn với thực tiễn và giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Tôi đề nghị Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, các sở, ban, ngành cùng phối hợp rút kinh nghiệm trong việc tổ chức Giải thưởng. Theo tôi, để hoàn thành được một công trình khoa học, giải pháp kỹ thuật các cán bộ KHCN phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ để nghiên cứu, thử nghiệm, chứ đó không thể là công việc dễ dàng thực hiện trong một sớm, một chiều. Bởi vậy, Ban Chỉ đạo Giải thưởng cần có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi bằng hình thức thích hợp để cá nhân và tổ chức thực hiện đề tài, giải pháp sáng tạo phục vụ xã hội. Một trong những giải pháp hữu hiệu là việc sớm hình thành Quỹ hỗ trợ Sáng tạo Khoa học kỹ thuật của tỉnh như đề xuất của Liên hiệp hội KHKT tỉnh. Đồng thời, chúng ta đã, đang và cần phải tiếp tục duy trì phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật một cách thường xuyên và định kỳ trao giải hàng năm hoặc hai năm một lần để tạo thế chủ động cho người tham gia. Bên cạnh đó, để phong trào có bước phát triển cao hơn, xứng đáng với tầm vóc của một địa phương là trung tâm đào tạo, văn hóa của miền Trung và Tây nguyên, thì ngoài việc quan tâm đến số lượng đề tài khoa học, giải pháp kỹ thuật tham gia, còn cần phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng của Giải thưởng. Nhất là hiệu quả về các mặt khoa học kỹ thuật, kinh tế – xã hội. Giải thưởng phải thật sự tôn vinh tài năng sáng tạo. Người được nhận giải thật sự cảm thấy vinh dự tự hào. Tại Lễ phát động hôm nay, tôi thấy có một số doanh nghiệp tham dự. Tôi nghĩ, để đề tài khoa học, giải pháp kỹ thuật thực sự mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội thì các tổ chức, doanh nghiệp của địa phương nên đặt hàng cho cá nhân, tổ chức KHCN đóng trên địa bàn tỉnh tư vấn hoặc thực hiện các dự án, đề tài khoa học, mà cầu nối là Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh.
Sau lễ phát động này, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn về Giải thưởng để từ đó có bước đi mới và có phương thức tổ chức khoa học, sáng tạo nhằm làm cho Giải thưởng ngày càng hấp dẫn, thu hút, tập hợp được đông đảo các nhà khoa học, các tầng lớp xã hội và toàn thể nhân dân lao động tham gia với hình thức đa dạng hơn và chất lượng, hiệu quả ngày càng cao hơn, góp phần định hướng cho các hoạt động sáng tạo KHCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, thực sự trở thành phong trào sâu rộng.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi chính thức giao nhiệm vụ cho Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Huế tiếp tục triển khai thực hiện Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II (2004-2005) và Giải thưởng Sáng tạo KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2005. Giao nhiệm vụ cho Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng Quỹ hỗ trợ Sáng tạo KHKT của tỉnh do Liên hiệp hội làm cơ quan thường trực trình UBND tỉnh phê duyệt.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi cảm ơn và ghi nhận công lao của các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, cá nhân đã tài trợ, hỗ trợ, động viên cả tinh thần lẫn vật chất cho Giải thưởng trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục tài trợ, giúp đỡ cho Giải thưởng trong thời gian tới. Sự tài trợ, hỗ trợ, giúp đỡ Giải thưởng chính là sự đóng góp vì sự nghiệp CNH, HĐH để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành tỉnh có kinh tế – xã hội phát triển ngang tầm với các tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc.
TS Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, PCT Thường trực UBND tỉnh TT Huế
|