Bệnh thoái hóa cột sống là một bệnh thường gặp ở nước ta cũng như trên thế giới. Tỷ lệ người mắc tương đối cao, nhất là ở lứa tuổi từ 40-60 tuổi với tỷ lệ 42,5%, ở nữ 60,4%, cao hơn so với nam (39,6%). Người bệnh thường bị đau một bên (77,5%) hoặc đau hai bên (22,5%). Bệnh tuy không nặng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sức lao động của người bệnh. Thoái hóa ở vùng cột sống thắt lưng có thể chèn ép thần kinh tọa (là thần kinh lớn nhất của cơ thể), nếu biến chứng nặng sẽ dẫn đến teo cơ chi dưới làm bệnh nhân đi lại rất khó khăn. Thoái hóa vùng cột sống cổ có thể chèn ép thần kinh cánh tay, làm đau và tê cánh tay gây nhiều phiền phức cho người bệnh. Một trong những phương pháp điều trị thích hợp và phòng bệnh tốt là phương pháp y học cổ truyền. Chúng tôi trân trọng giới thiệu phương pháp này cùng bạn đọc. Bệnh xuất hiện do những nguyên nhân: Do chế độ ăn uống không đảm bảo, nhất là chế độ ăn thiếu canxi. Do lớn tuổi (40 tuổi trở lên). Do thiếu vận động hàng ngày. Do sinh nở quá nhiều đối với phụ nữ. Có hai loại thoái hóa cột sống thường gặp nhất là thoái hóa cột sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng. Cột sống cổ và cột sống thắt lưng là hai đoạn cột sống di động, rất dễ bị tổn thương, lại liên quan mật thiết với hai vùng thần kinh quan trọng là vùng thần kinh cánh tay (nếu thoái hóa đốt sống cổ) và thần kinh tọa – thần kinh lớn nhất của chi dưới (nếu thoái hóa cột sống thắt lưng). Triệu chứng lâm sàng của thoái hóa cột sống cổ là bệnh nhân bị đau vùng cổ và vai gáy; bị hạn chế vận động vùng cổ gáy ở các tư thế cúi, ngửa, xoay phải, xoay trái; mạch huyền hoạt (nếu đau đợt cấp), mạch trầm nhược (nếu đau mãn tính kéo dài). Hình ảnh X quang: có thoái hóa hoặc gai đôi cột sống cổ. Triệu chứng lâm sàng của thoái hóa ở vùng cột sống thắt lưng là bệnh nhân bị đau vùng cột sống thắt lưng, có thể đau một bên hoặc hai bên. Cơn đau dữ dội (nếu đợt cấp), đau âm ỉ (nếu mãn tính), có thể lan xuống hai chân, hoặc một chân nếu có chèn ép thần kinh tọa, đau và tê dọc sau đùi, cẳng chân, bàn chân và ngón chân, đau tăng lên khi ho, khi vận động hoặc lúc gần sáng mới ngủ dậy. Các tư thế vận động (cúi, ngửa, xoay phải, xoay trái) trở nên khó khăn. Mạch huyền hoạt (nếu bệnh cấp tính), mạch trầm nhược (nếu bệnh mãn tính). Hình ảnh X quang: có thoái hóa hoặc gai đôi cột sống thắt lưng – cùng. Điều trị thoái hóa đốt sống cổ: – Phương pháp dùng thuốc: Bài thuốc có hiệu quả nhất là bài thuốc cổ phương (Quyền Tý), mỗi thang gồm có: khương hoạt 8g, phòng phong 8g, xích thược 12g, khương hoàng 12g, hoàng kỳ 20g, đương qui 12g, trích cam thảo 4g, gừng tươi 8 lát, đại táo 3 quả. Tùy theo thể trạng của bệnh nhân, tính chất biểu hiện lâm sàng mà thầy thuốc gia giảm các vị thuốc cho phù hợp với mạch của bệnh nhân để điều trị có hiệu quả. Thuốc được đem sắc uống, mỗi ngày một thang. – Phương pháp châm cứu: Châm các huyệt: Phong trì, Đại trùy, Hoa đà, Giáp tích, Đại trữ, Phong môn, Kiên tĩnh, Thiên tông, Kiên trinh, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Hợp cốc. Dùng phương pháp châm tả (nếu bệnh cấp tính), dùng phương pháp châm bổ (nếu bệnh mãn tính). – Phương pháp xoa bóp: Xoa bóp vùng vai, gáy và cánh tay bị đau, mỗi ngày từ 1-2 lần, mỗi lần 15-20 phút. Vận động khớp cổ, vai và cánh tay. Điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng: – Phương pháp dùng thuốc: Bài thuốc điều trị có hiệu quả nhất thường dùng là bài: Độc hoạt, Tang ký sinh, gồm: độc hoạt 8g, phòng phong 8g, tang ký sinh 20g, tần giao 12g, tế tân 4g, đương quy 12g, cam thảo 6g, quế chi 4g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, ngưu tất 8g, sinh địa 8g, đỗ trọng 12g, đẳng sâm 8g, phục linh 12g. Tùy theo thể trạng của người bệnh, tính chất biểu hiện trên lâm sàng mà thầy thuốc gia giảm các vị thuốc cho phù hợp với bệnh lý để nâng cao hiệu quả điều trị. Thuốc được đem sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang. – Phương pháp châm cứu: Châm các huyệt: Thận du, Đại trường du, Tiểu trường du, Hoàn khiêu, Thừa phù, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn, Dương lăng tuyến. Dùng phương pháp châm tả (nếu bệnh cấp tính), châm bổ (nếu bệnh mãn tính). – Phương pháp xoa bóp: Xoa bóp vùng cột sống thắt lưng và vùng chân (bên đau). Điều trị dự phòng: Đối với bệnh thoái hoá cột sống, điều trị dự phòng khá quan trọng, quyết định hiệu quả điều trị và tránh tái phát rất tốt. Do vậy, trong điều trị thoái hóa cột sống cần phải biết và thực hiện tốt vấn đề điều trị dự phòng. Điều trị dự phòng cần chú ý thực hiện tốt các vấn đề sau: – Chế độ dùng thuốc: Dùng bài thuốc sau để xoa bóp thường xuyên: phu tử 7 chỉ, quế chi 7 chỉ, phòng phong 7 chỉ, đại hồi 7 chỉ, khương hoạt 7 chỉ, tế tân 7 chỉ, gừng gió 7 chỉ. Hoặc lấy lá ngải cứu thái nhỏ, sao với muối sống, đem chườm nóng vùng cột sống thắt lưng. Nếu không có lá ngải cứu thì dùng lá ngũ trảo hoặc lá đại tướng quân cũng có hiệu quả tốt. – Chế độ ăn uống: Nên chú ý ăn những thức ăn giàu canxi như tôm, hến, xương động vật, vv… – Chế độ thể dục – vận động: Cần luyện tập thể dục thường xuyên và đều đặn. Tùy theo sức khỏe của mỗi người mà luyện tập trong thời gian nhiều hay ít (tối thiểu 15 đến 20 phút mỗi ngày) và sử dụng bài tập nặng hay nhẹ. Người ở độ tuổi từ 40-50 tuổi, có thể sử dụng những bài tập nặng như tập thể hình, còn những người tuổi từ 50 tuổi trở lên có thể áp dụng các bài tập nhẹ như tập dưỡng sinh, thái cự quyền, yoga hoặc đi bộ thường xuyên, 3-5km mỗi ngày. Đặc biệt, cần thực hiện động tác vận động cột sống như cúi lên xuống 10-20 lần/ngày, xoay phải, xoay trái 10-20 lần/ngày. Một số điểm cần chú ý là: Nên xoa bóp cột sống trước khi vận động. Đối với thoái hóa cột sống thắt lưng, tuyệt đối tránh động tác sai tư thế như cúi nghiêng và cúi đột ngột. Đối với thoái hóa đốt sống cổ, khi ngủ tránh gối đầu cao quá và tránh ngồi nơi có gió lùa, tránh nằm ngủ ở nơi ẩm thấp hoặc nền xi măng, tránh mang vác quá sức.
BS. Nguyễn thị Đang, Chủ tịch hội Châm cứu TT – Huế
|