Sâm Cầm

Mùa đông năm 1997, trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, tiến sỹ Trần Đức Thạnh, một chuyên gia đất ngập nước của Phân viên Hải dương học tại Hải Phòng, đề nghị tôi hỗ trợ anh thực hiện đề tài khoa học “Đánh gía tiềm năng và đề xuất lựa chọn khu vực bảo vệ đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai”. Tất nhiên, với cương vị của mình lúc ấy, tôi không thể nào từ chối sự hợp tác này. Chúng tôi bàn bạc, sắp xếp, xây dựng kế hoạch để đi thực địa, khảo sát giá trị, tiềm năng của vùng đất ngập nước Phá Tam Giang – Cầu Hai.

Đây là vùng đất ngập nước đầm phá rộng nhất Đông Nam Á với tổng diện tích 24876 hecta. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Cửa sông Ô Lâu. Đây là vùng tiếp giáp giữa sông Ô Lâu với phá Tam Giang vì vậy vùng này có hệ sinh thái rất đặc trưng và phong phú. Là một cán bộ ở địa phương nhưng thú thật tôi chưa một lần đi thực địa tại vùng cửa sông này, vì vậy, chúng tôi rất hào hứng chuẩn bị cho chuyến đi. Trời vừa tờ mờ sáng là chúng tôi đã có mặt tại bến đò Cồn Tộc. Đón chúng tôi tại bến đò là một cán bộ của xã Quảng Thái, dáng hơi gầy nhưng nét mặt lúc nào cũng tươi vui. Đoàn chúng tôi, ngoài tiến sĩ Trần Đức Thạnh và tôi, còn có 02 cán bộ nghiên cứu và 02 nhà báo. Tất cả chúng tôi lên đò và trực chỉ hướng bắc, đến đầu nguồn phá Tam Giang. Đoạn đường từ  bến đò Cồn Tộc đến cửa sông Ô Lâu khoảng 10 kilomet. Khi con đò bắt đầu khởi hành, mặt trời chưa thức giấc, những làn gió mát lành của phá Tam Giang như vây quanh lấy chúng tôi, thật là dễ chịu, thoải mái. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chiếc thuyền câu mỏng manh của những đôi vợ chồng ngư dân đang mải mê buông lưới mưu sinh hay những con chim bói cá đang rình mồi trên những cọc say của những dãy nò sáo như những nét chấm phá giữa trời nước trong xanh bao la. Cảnh buổi sáng sớm trên phá Tam Giang đẹp như một bức tranh thủy mặc. Tiếng động cơ của con đò khá lớn cho nên chúng tôi chẳng chuyện trò được nhiều. Sau gần một giờ đi đường, chúng tôi đến vùng cửa sông. Anh Thạnh ra hiệu giảm tốc độ rồi sau đó tắt hẳn động cơ của con đò. Lúc này, phía xa xa, mặt trời bắt đầu ló dạng, phía trước chúng tôi, hàng ngàn con chim nước đang tung tăng bơi lội, một số bay là là trên mặt nước, có đàn chim chao cánh liệng quanh như một đội hình bay biểu diễn để chào đón chúng tôi. Hừng đông trên phá cũng là một cảnh đẹp tuyệt vời. Tôi thầm nghĩ tạo hóa chắc cũng là một họa sĩ rất mực tài hoa.

Con đò của chúng tôi lúc này di chuyển bằng mấy cái sào chống, bởi vì nếu đi bằng máy  thì chim sẽ bay đi mất. Vượt qua cửa Lác, chúng tôi chống đò len lỏi qua bốn cù lao giữa cửa sông với rất nhiều những cây sậy, bèo tây, cỏ năng, cỏ lác. Chắc cũng vì vậy mới có tên cửa Lác. Cũng chính vì hệ sinh thái đặc thù này mới thích hợp cho đàn chim nước cư trú.

Vừa quan sát vùng cửa sông, anh Thạnh vừa nói với chúng tôi rằng, vùng đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có rất nhiều giá trị như nguồn lợi thủy sinh, giao thông, du lịch, văn hóa, khoa học và giáo dục. Tuy nhiên, giá trị hàng đầu là đa dạng sinh học. Bước đầu xác định nguồn gen sinh vật ở đây có 912 loài. Trong đó có 265 loài thực vật phù du,, 54 loài tảo silic, 46 loài rong biển, 15 loài thực vật thủy sinh bậc cao, 66 loài động vật phù du, 76 loài động vật đáy, 230 loài cá, trong đó có 06 loài ghi trong sách đỏ Việt nam.

Tuy nhiên, đặc biệt nhất là có 73 loài chim thuộc 53 giống, 29 họ. Trong đó có 34 loài định cư, 39 loài di cư, 01 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 30 loài được ghi trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu Âu. Về mùa đông và đầu mùa xuân, số lượng chim nước ở đây có trên 02 vạn cá thể. Trong đó, có hàng ngàn con sâm cầm từ phương bắc di cư về đây. Anh Thạnh vừa nói vừa đưa tay chỉ cho chúng tôi đàn sâm cầm đang tung tăng trên mặt nước. Mọi người trong đoàn cùng nhìn về hướng đàn sâm cầm một cách  thích thú. Tôi chợt liên tưởng đến câu hát của nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn khi lần đầu ra thăm Hà Nội: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi. Màu xanh thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời…”. Sâm cầm từng di cư đến Việt Nam và gắn bó với hồ Tây, Hà nội cách đây hàng trăm năm và được coi là một đặc sản: “ Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm; cá rô Đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”. Sâm cầm bây giờ không còn ở hồ Tây nữa chắc là do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của thủ đô và thú sành ăn của tầng lớp giàu có đã không còn đất cho sâm cầm trú ngụ. Tôi hỏi tiến sỹ Trần Đức Thạnh vì sao gọi là sâm cầm. Cái tên mà chỉ mới nghe thôi là những kẻ sẵn tiền, có nhu cầu tẩm bổ đã muốn lao đi tìm ngay. Bằng một giọng khúc chiết, truyền cảm cuả người Hà Nội, anh Thạnh kể rằng, loài chim này có tên sâm cầm bắt nguồn từ truyền thuyết: Có một làng ở xứ Cao Ly, dân làng bị một loại bệnh kì lạ, không thuốc nào chữa được và chết dần, chết mòn. Cô con gái của người thợ săn chợt nhớ đến câu chuyện mà cha kể lại trước đây rằng, ở trên dãy núi Trường Bạch có một loài chim thường ăn rễ của một loài cây cỏ nhỏ. Do ăn rễ này mà loài chim chống chịu được thời tiết khắc nghiệt và bệnh tật. Cô lập tức lên đường tìm thuốc quý về chữa bệnh cho dân làng. Vượt qua nhiều đỉnh núi giữa tiết trời băng giá, cô đến được núi Trường Bạch, nhưng cô đã kiệt và thiếp đi. Khi tỉnh dậy, cô nhìn thấy mấy con chim đang đào bới một gốc cây nhỏ gần đó để ăn. Cô nghĩ ngay đó chính là loài cây mình muốn tìm, bèn bò đến đào rễ ăn ngấu nghiến vì đang đói, khát. Thật kì lạ, ăn xong cô thấy khỏe khoắn hẳn lên. Cô rất mừng, bèn đào một số rễ mang về phát cho những người đang ốm. Nhờ uống rễ cây này mà dân làng thoát chết và dịch bệnh tiêu tan. Từ đó dân làng đặt tên cho cây thuốc quý là nhân sâm và loài chim sinh sống bằng rễ cây này là sâm sầm.

Sâm cầm là một loài chim nặng cỡ 0,5 – 0,8 kg, thân bầu, to hơn con le le và nhỏ hơn con vịt trời. Đầu và cố phủ lông đen, mắt đỏ. Mỏ nhọn, màu vàng nhạt. Mào là một cục thịt rộng màu trắng ngà, hơi nhô lên. Lông ở lưng và bụng màu xám, đuôi màu thẫm hơn. Đôi cánh ngắn, phớt tím. Chân cao, màu lục, xám nhạt, có 4 ngón, các ngón đều có màng mỏng. Sâm cầm là loài chim di cư, sống thành đàn ở những nơi có nước như ao, hồ, đầm lầy, sông ngòi có nhiều cây thủy sinh.

Câu chuyện về chim sâm cầm chưa kết thúc thì chúng tôi đã đi được một vòng quanh khu vực cửa sông. Mặt trời đã lên cao, mặt nước trong xanh nhìn rõ từng đàn cá tung tăng, bơi lặn. Đàn chim vẫn mải mê tìm kiếm thức ăn nhưng thưa dần vì một số đã tìm nơi ngơi nghỉ. Thỉnh thoảng có con chim vụt lên bay lượn một vòng rồi đáp xuống mặt nước, có con ngỗng trời bập bềnh trôi theo chiều gió. Thật là một  cảnh sắc thanh bình, đẹp đẽ hiếm thấy.

Đến 11 giờ trưa, chúng tôi kết thúc chuyến thực địa trong trạng thái thật thoải mái, mãn nguyện. Sau đó không lâu, hội thảo quốc tế về chủ đề: “ Tiềm năng của đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai…” do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức tại Huế. Hội thảo đề nghị đưa vùng đất ngập nước hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai vào diện bảo tồn theo Công ước Ramsar và sau đó một bản đề án theo hướng đó đã được nhóm chuyên gia của Phân viện Hải dương học Hải Phòng hoàn thành và đệ trình lên các cấp thẩm quyền. Trong bản đề án xác định cửa sông Ô Lâu là một vùng lõi của khu bảo tồn đất ngập nước rộng 22.000 ha. Tuy nhiên bản đề án không được chấp nhận. Sau đó, một số tố chức khác cũng khảo sát và lập một số dự án đề xuất lập khu bảo vệ cho vùng cửa sông nhưng tất cả đều chưa có kết quả.

Cách đây không lâu, trong một chuyến công tác, tôi có dịp về lại vùng cửa sông Ô Lâu. Dẫn đường cho chúng tôi là Phan Nông, phó chủ tịch UBND xã Quảng Thái. Chúng tôi lên đò từ đập Cửa Lác và đi quanh một vòng cả 04 cù lao, sau đó cập bến tại một cù lao lớn nhất. Phan Nông cho biết những cù lao này trước đây là diện tích trồng lúa tốt nhất của xã Quảng Thái. Tuy nhiên hiện nay bỏ hoang do xã đã vân động người dân không sản xuất nữa để phục hồi sinh thái cho cửa sông. Mặt khác, muốn tổ chức sản xuất ở đây phải đầu tư hệ thống đê bao kiên cố mất rất nhiều tiền mà xã thì quá nghèo. Chi phí cho đầu vào lớn nên sản xuất sẽ không có hiệu quả mặc dù đất ở đây rất tốt, năng suất lúa cao. Mong muốn của xã là cấp trên đưa vùng này thành khu bảo tồn để bảo vệ nguồn lơi và phát triển du lịch.

Nghe Phan Nông nói, tôi rất mừng và thầm nghĩ đó là một ý tưởng rất tốt. Trước mắt chúng tôi, cảnh sắc khác với lần trước, cỏ lác và lau sậy mọc nhiều hơn, những đóa sen hồng, dấu vết còn lại của một dự án sản xuất bất thành, mọc rải rác trên những cù lao trông rất đẹp. Lồng, chạn nuôi cá mọc lên khắp nơi, lừ xếp kiểu Trung Quốc giăng như mắc cửi, thỉnh thoảng những cánh cò trắng phau bay lên, liệng mấy vòng rồi đáp xuống trên những cù lao. Thấp thoáng trong những lùm lau sậy là những bóng người lấp ló, thỉnh thoảng nhìn về phía chúng tôi. Phan Nông cho biết đó là những thủy tặc đang dùng kích điện để đánh bắt thủy sản. Họ là người từ nơi khác đến, xã có tổ chức bắt và xử phạt nhưng không có điều kiện để làm thường xuyên. Hơn nữa, đây là vùng giáp ranh giữa hai huyện nên cũng rất khó khăn trong việc quản lý. Cũng chính vì vậy mà bây giờ số lượng chim không còn nhiều như trước. Tôi chợt nghĩ: nếu không có cơ chế để bảo vệ thì không bao lâu nữa hệ sinh thái của vùng này sẽ bị tàn phá nghiêm trọng, nguồn lợi thủy sản và các giá trị khác, đặc biệt là đàn chim nước sẽ không còn. Nếu tình trạng đó xảy ra thì quả là đáng tiếc và chúng ta sẽ là những người mang tội với quê hương.

Chia tay Phan Nông và những người bạn ở Quảng Thái, lòng tôi trào dâng một niềm hy vọng: một ngày không xa, một khu bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu sẽ được hình thành, hệ sinh thái cửa sông sẽ được phục hồi, rừng cây bản địa sẽ mọc dày trên những cù lao, xen lẫn giữa những lùm cỏ lác là những chùm hoa sen, hoa súng. Và khắp nơi, trên mặt nước, trên bầu trời là những đàn chim mãi mê tìm kiếm và tung cánh chao liệng. Ở đâu đó, giữa khung cảnh tươi đẹp của vùng sông nước mênh mang, những con sâm cầm đang còn lông tơ đứng đợi mẹ bên những cánh sen hồng.

 

Trần Giải

 

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: