Sỉa nguồn (06/05/2008)


Sỉa nguồn. Một từ vốn phổ biến, quen thuộc của người dân vùng hạ lưu các con sông ở Thừa Thiên Huế nay đã không còn được nhiều người biết đến! Sỉa nguồn là gì? Nó có từ bao giờ và tại sao lại mất đi?

    Trước những năm 1960, mùa mưa lũ thường đến vào tháng Bảy (ứng với tháng 8-9 dương lịch).

  Tháng Bảy nước nhảy lên bờ

     Mây mưa trắng đục cả vùng núi phía Tây thành phố Huế từ nửa tháng đến hai mươi ngày thì nước bạc mới đổ ào về các dòng sông. Người dân gọi nước đã Sỉa nguồn.

     Sỉa nguồn là hiện tượng tự nhiên, một chỉ thị cho thấy sự ổn định mang tính qui luật của các dòng sông xứ Huế xưa kia. Mưa rất lớn kéo dài nhiều ngày nhưng hình như tất cả lượng nước mưa rơi xuống đều được rừng giữ lại.

     Phần lớn theo rễ cây thấm sâu vào lòng đất, tích chứa vào các túi nước ngầm, phần còn lại thấm no đầy vào xác lá cây rừng khô mục. Đến một lúc nào đó lượng nước tích lại quá lớn thì mới xẩy ra hiện tượng tức nước vỡ bờ gọi là sỉa nguồn. Mặc dù bầu trời miền hạ du vẫn chang chang ánh nắng, nhưng nước bạc cứ trào dâng. Nước lên nhanh, tràn đầy các dòng sông, tràn qua bờ, qua ruộng, qua làng mạc.

     Nghe tin nước sỉa nguồn, người dân đổ xô ra phía bờ sông tranh thủ vớt củi rìu (củi mục trôi theo dòng) phơi làm chất đốt để dành rơm rạ cho trâu bò ăn mùa mưa lạnh. Một số người khác thả lưới, đặt xà róc,… đón bắt cá đi đẻ mùa nước lên. Trẻ con nô đùa nước lụt và sau đó vài ngày là các cuộc đua ghe,…Người dân quá quen với lũ lụt (chỉ sợ bão). Họ có ý mong chờ lũ lụt hàng năm. Nhờ có rừng rậm rạp lũ không dữ dội như ngày nay. Lũ về mang theo nhiều cá tôm, chất đốt; mang cho cánh đồng màu mỡ phù sa hứa hẹn một năm mới mùa màng bội thu. Khi mùa mưa lũ chấm đứt, Xuân sang, Hè về và Thu đến, nước tích chứa ở rừng bấy giờ mới dần dần rỉ ra, dồn lại qua hàng ngàn con suối khe lớn nhỏ đổ về các dòng sông. Nhờ vậy mà sông Hương quanh năm nước chảy xuôi dòng.

     Nhờ nước chảy xuôi dòng nên nước sông Hương luôn xanh trong, thơm mát. Nhờ nước chảy xuôi dòng mà những xú uế đều bị rữa trôi. Dòng nước ngọt chắt lọc qua ngàn tầng lá hoa, cây cỏ nên trong suốt tận đáy lòng sông mang mùi hương thanh khiết như chính tên gọi của mình  Hương Giang.

     Với đôi bờ xanh mềm mại như nét xuân thời con gái, một dòng sông hiền hoà lung linh sắc nắng đã tạo cho Hương Giang nét nên thơ và huyền ảo làm mềm lòng biết bao lữ khách, thi nhân! Nhưng tiếc thay, từ khi hiện tượng sỉa nguồn không còn nữa, từ khi thuật ngữ sỉa nguồn phai nhạt dần trong ký ức người dân xứ Huế thì dòng Hương Giang trở nên trái tính, trái nết hơn bao giờ hết!

     Sỉa nguồn mất đi đồng nghĩa với sự suy thoái của dòng sông. Con sông sẽ trở nên vô cùng hung hãn vào mùa lũ lụt, nó tàn phá bất cứ thứ gì trên đường nó về xuôi. Và nó cũng sẽ vô cùng dơ dáy khi thủy triều đẩy nước ngọt ngược lên tới Thiên Mụ, Hòn Chén vào mùa khô hạn! Xin đừng đổ lỗi cho bèo Tây làm ô nhiễm dòng Hương. Phải hiểu rằng chính sự ô nhiễm dòng Hương đã tạo điều kiện cho bèo Tây phát triển. Chính vì không còn sỉa nguồn nên dòng Hương tích tụ nhiều nguồn dinh dưỡng đổ vào làm cho không những bèo Tây mà các loài tảo sẽ có cơ hội bùng phát thành hiện tượng nở hoa và sau pha tàn lụi của hiện tượng này là sự lên men thối cùng với nhiều loại rác thải gây ô nhiễm.

     Ôi Hương Giang thơ mộng, Hương Giang hiền hoà, Hương Giang mãi mãi trong xanh ngày nào đã trở nên ốm yếu từ khi Sỉa nguồn mờ dần trong trí nhớ ngưòi dân xứ Huế. Và nay, hễ mưa nguồn buổi sáng thì buổi trưa đã đục ngầu dòng Hương Giang, mưa chiều thì đêm nước dâng tràn Đập Đá! Và … khi mùa mưa chấm dứt thì cũng chấm dứt luôn lượng nước ngọt chảy về xuôi và thủy triều đưa nước mặn ngược dòng lên quá nơi lấy nước của nhà máy nước Vạn Niên! Tại sao và vì đâu gây nên cớ sự này?! Rừng bị phá hoại nghiêm trọng chính là thủ phạm. Rừng không còn đủ sức đảm nhận chức năng điều tiết nước, điều hoà khí hậu nữa. Giá trị của rừng ở khía cạnh này mới thực sự quan trọng gấp nhiều lần sản vật của nó cung cấp cho con người, nhưng tiếc thay không nhiều người hiểu được như vậy!

     Ăn của rừng rưng rưng nước mắt ngoài việc ám chỉ những người khai thác lâm sản phải trả giá khi lấy ra từ rừng bất cứ thứ gì (Nghĩa hẹp) còn cho thấy rằng cuộc sống của con người sẽ trở nên khó khăn, gian khổ hơn khi mái nhà chung bị Dột. Ngôi nhà bị dột từ nóc thì mọi thành viên trong nhà đều khốn khổ như nhau. Và rừng bị hủy hoại (Nóc ngôi nhà chung bị dột) thì cuộc sống của cả cộng đồng đều bị ảnh hưởng!

     Rừng ngày xưa ví như mái nhà lợp bằng tranh. Mưa rơi êm không tiếng động và khi mưa tạnh lâu rồi vẫn thánh thót giọt tranh. Thật nên thơ, êm đềm và quyến rũ! Rừng ngày nay như mái nhà lợp bằng tôn, mưa chan chát, đinh tai nhức óc!  Và khi ngừng mưa thì ráo hoãnh mái nhà, không gian oi nồng ngột ngạt!

     Cứu dòng sông Hương, trả lại cho Hương Giang đặc tính hoang sơ nguyên thủy của nó không phải chỉ chăm lo xây kè chống sạt lở, đắp đập ngăn dòng mà phải nâng cao chất lượng độ che phủ của rừng!

     Một đề án Khôi phục hiện tượng sỉa nguồn cho Hương Giang là rất cần thiết để Hương Giang mãi mãi xanh trong thơm mát như chính  tên của nó. 

 Lê Văn Miên

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: