Sự cần thiết nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Trách nhiệm là phần việc được giao, nghĩa vụ phải làm tròn theo cương vị, chức trách của mình. Con người có bao nhiêu vị trí, vai trò, chức năng trong các mối quan hệ xã hội thì có bấy nhiêu trách nhiệm. Đó là trách nhiệm thành viên của mỗi người trong quan hệ gia đình; trong cộng đồng, tổ chức, xã hội; trách nhiệm công dân trong quan hệ với đất nước; trách nhiệm phục vụ nhân dân, là công bộc của dân.

Trách nhiệm là chức trách, nhiệm vụ. Tinh thần trách nhiệm là nhận thức, thái độ của mỗi người đối với chức trách, nhiệm vụ của mình đối với người khác, với tổ chức, với xã hội…

Như vậy, tinh thần trách nhiệm là một trong những phẩm chất của con người, là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá người cán bộ, đảng viên.

Biểu hiện của tinh thần trách nhiệm là luôn luôn tìm cách để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình một cách vô tư, trong sáng, không vụ lợi. Người cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm là người luôn nhận thức rõ và tìm cách thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mà trước hết phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức phân công, thể hiện tốt chức trách của mình với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, cơ quan, đoàn thể.

Thực tiễn cuộc sống đặt ra rất nhiều vấn đề mới mẻ, có cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi mỗi người dù ở đâu, trên cương vị nào đều phải nhận thức rõ và thể hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình, không ngừng học tập để làm giàu tri thức, rèn luyện bản lĩnh, tu dưỡng đạo đức, luôn luôn sáng tạo, biết nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.

Trong thực tế hiện nay, bên cạnh những cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm tốt, một bộ phận không nhỏ thiếu tinh thần trách nhiệm. Biểu hiện của người thiếu tinh thần trách nhiệm là không ý thức đầy đủ về chức trách nhiệm vụ của mình, thiếu chủ động, sáng tạo, làm việc hời hợt, chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân… Một số người do thiếu tinh thần trách nhiệm mà sinh ra sợ sai, sợ trách nhiệm, không có bản lĩnh, không dám sáng tạo, dễ thì làm, khó thì bỏ, thành tích thì vơ cho mình, khuyết điểm thì tìm cách đổ trách nhiệm cho người khác. Người sợ trách nhiệm thường làm việc cầm chừng, cốt không để phạm phải khuyết điểm. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm nên không muốn cải tiến công tác, không dám thay đổi những điều chưa hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ dần dần dẫn tới bảo thủ, trì trệ. Đây cũng là kiểu người nói một đằng làm một nẻo, nói không đi đôi với làm; đặt lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ lên trên lợi ích toàn thể, vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, không lắng nghe ý kiến của những người chung quanh.

Người cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tinh thần trách nhiệm thường không phân công, phân cấp rõ ràng; không chủ động, sáng tạo, có khi còn làm trái, làm qua loa, hình thức khiến cho hiệu quả công việc bị hạn chế, nhiều quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước không đi vào cuộc sống.

Tình trạng đó làm lãng phí các nguồn lực, làm mất đi cơ hội phát triển và nguy hiểm hơn là làm mất lòng tin của nhân dân.

Người cán bộ lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm thường tích cực đi sâu, đi sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của quần chúng để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, giải quyết triệt để những hạn chế, tồn tại của ngành, của địa phương mình. Đồng thời phải tích cực kiểm tra, đôn đốc cán bộ cấp dưới thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý là việc hết sức cần thiết để bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành hiện nay. Muốn vậy, trước hết phải thực hiện thật hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục nâng cao hơn nữa nhiệt tình cách mạng, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó phải thực hiện phân công, phân cấp, qui định trách nhiệm rõ ràng cho mỗi cá nhân, mỗi tập thể.

Trần Giải

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: