Sử dụng phân bón tiết kiệm góp phần giảm phát thải nhà kính

Phân bón đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện nay, giá phân bón ngày càng leo thang, thay đối từng ngày đã ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí đầu vào của quá trình sản xuất nông nghiệp, giảm hiệu quả sản xuất và ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Đồng thời, Việc sử dụng phân bón hóa học vô tội vạ đã làm tăng phát thải khí N2O – loại khí thải nguy hiểm nhất. Ước tính lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 12,5% trong số các hoạt động có phát thải khí nhà kính hiện nay. Vì vậy, nhằm sử dụng một cách tiết kiệm tối đa phân bón mà lại cho hiệu quả cao bà con có thể tham khảo một số kỹ thuật dưới đây:

Về thời điểm bón: Nên bón phân vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, tránh lúc trời mưa hoặc sắp mưa để hạn chế phân bón bị rửa trôi, bay hơi. Không bón khi đất thiếu ẩm (khô hạn), chỉ nên bón khi đất đảm bảo đủ ẩm.

Đối với các loại phân vô cơ như phân ure, là loại phân dễ tan trong nước và dễ bay hơi, để lâu trong nước dễ gây ra độc tố. Do đó, khi bón không nên trên bề mặt đất, phơi trực tiếp ra ngoài nắng, có thể trộn cùng phân khác để bón.

Phân lân thường rất khó tan, có thể tồn tại trong đất rất lâu sau khi bón. Vì vậy, có thể tập trung bón lót hết 1 lần. Đặc biệt, trong lân nung chảy có hàm lượng Mg rất cao (gần 16% MgO), rất thích hợp để bón đất chua và nghèo Mg.

Các loại phân kali đều rất dễ tan, dễ rửa trôi và dễ gây cháy cây khi phân chạm trực tiếp vào phần rễ tơ hoặc phần non của cây. Do đó, khi bón cần cẩn thận thao tác và nên chia thành nhiều lần bón.

Không nên sử dụng các phân bón lạ so với qui trình, khi chưa được chính thức khuyến cáo như không sử dụng đạm sunphat (NH4)2SO4 để thay ure bón trên các vùng đất chua, vì gốc SO42- khi kết hợp với ion H+ trong đất chua sẽ tạo ra axit làm tăng thêm độ chua của đất.

Không nên sử dụng nguồn nước thải nhà máy chưa qua xử lý để tưới cho cây trồng. Dễ gây ra ngộ độc cho cây và cho con người khi sử dụng sản phẩm của cây trồng.

Không sử dụng các loại phân vi sinh vật không qua kiểm nghiệm chất lượng và không dùng phân hữu cơ để thay thế hoàn toàn phân vô cơ trong việc cung cấp dinh dưỡng cho vườn cây. Vì hàm lượng dinh dưỡng đa lượng có trong phân hữu cơ là rất thấp so với nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, do đó cần phải phối hợp cân đối giữa phân hữu cơ và vô cơ để bón cho cây. Và cũng cần bón đúng phân, đúng cây, đủ về lượng, đúng thời gian bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất in trên bao bì để đạt được hiệu quả phân bón cao nhất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Cũng không nên tuỳ tiện trộn chung nhiều loại phân lại với nhau vì có khả năng làm giảm chất lượng của một số loại phân như không nên trộn phân supe phốt phát với các dạng phân kiềm dễ tạo thành chất khó tan cây không hấp thu được. Như vậy không có nghĩa là không nên trộn các loại phân đơn thành phân hỗn hợp để tiết kiệm giá thành, tăng hàm lượng các chất vi lượng mà trộn sao cho phù hợp không tạo ra chất kết tủa hay dễ bay hơi. Hiện nay, khi giá phân hỗn hợp ngày càng cao, nếu người nông dân sử dụng các loại phân đơn trộn lại theo tỷ lệ được khuyến cáo các nhà kỹ thuật để thay cho phân hỗn hợp bón cho cây trồng là rất nên làm.

Khi sử dụng phân chuồng nên sử dụng với phân lân để ủ. Ủ lân với phân chuồng làm tăng cường hoạt động của vi sinh vật, rút ngắn thời gian ủ hoai phân, tăng lượng đạm trong phân chuồng.

Đối với cách bón, bà con cũng cần chú ý không nên cày, xới đất sâu phạm vào rễ cây trồng, bón vừa độ sâu rễ cây có thể hút dinh dưỡng tối đa (dưới 30 cm từ mặt đất trở xuống), không nên bón phân vào sát gốc. Đặc biệt, đối với những cây công nghiệp và cây ăn trái thì nên bón theo đường kính tán.

Ngoai ra, cần đẩy mạnh việc ứng dụng các loại chế phẩm sinh học để bón bổ sung cho đất hoặc dùng để sản xuất phân xanh, phân hữu cơ tư các loại lá cây, rơm rạ và các phụ phụ phế phẩm để tăng tỷ lệ bón hữu cơ cho đất, giảm thiểu ô nhiểm môi trường và xử lý nguồn dịch bệnh.

Trên đây là một số kỹ thuật khi sử dụng phân bón, rất mong bà con lưu tâm để đạt được hiệu quả sử dụng phân bón một cách tối đa, góp phần giảm thiểu ô nhiểm môi trường trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường sống.

Thành Chung

Người cập nhật: Hồ Thành

Các bài viết khác: