Sử dụng phân động vật để nuôi giun quế

  • Husta.org
  • 30-11-2015
  • 546 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2015, đề tài “Sử dụng phân động vật để nuôi giun quế (Perionyx excavatus) phục vụ chăn nuôi gà và trồng rau tại phường An Đông và An Tây của nhóm tác giả: Trần Thị Quỳnh Nhi, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trần Thị Thu Uyên – Trường THCS Đặng Văn Ngữ, thành phố Huế được đánh giá cao bởi tính sáng tạo và khả năng áp dụng trong thực tế.

Từ trước đến nay, người nông dân vốn quen phát triển trồng trọt và chăn nuôi theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, quy trình chăn nuôi và trồng trọt này thiếu hẳn cơ sở khoa học, chưa tuân theo quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng chưa cao. Trong đó, nhiều hộ gia đình trong quá trình sản xuất lạm dụng thức ăn công nghiệp và thuốc hóa học nên sản phẩm tạo ra không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, phân động vật nuôi (trâu, bò, heo) không được thu gom và xử lí gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống người dân. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm tác giả: Trần Thị Quỳnh Nhi, Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trần Thị Thu Uyên – Trường THCS Đặng Văn Ngữ, thành phố Huế đã bắt tay vào nghiên cứu sử dụng phân động vật và tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp để nuôi giun quế nhằm hướng đến phát triển ngành chăn nuôi và trồng trọt theo hướng bền vững, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Các nghiên cứu cho thấy, giùn quế có khả năng xử lý toàn bộ phân tươi trong chăn nuôi (heo, bò, gà, dê …) tạo ra một lượng phân tương ứng là chất dinh dưỡng cho cây trồng phát triển tốt. Phân giun có màu nâu sẫm, dạng đất mùn, có lẫn trứng và ấu trùng. Theo các nhà nghiên cứu, phân giun là loại phân hữu cơ tự nhiên duy nhất hiện nay có chứa tương đối đầy đủ hàm lượng các chất cần thiết cho mọi loại cây trồng, đặc biệt hữu ích cho các loại cây ngắn ngày như: đậu, bắp hay trong đất không tồn tại bất cứ dư lượng hóa chất hay phụ phẩm độc hại nào. Đây được xem là hướng phát triển mới cho nền nông nghiệp xanh tại rất nhiều địa phương. Ngoài ra, giun quế còn được dùng làm thức ăn giàu đạm cho gia súc, gia cầm, vật nuôi thủy sản. Sử dụng giun quế làm thức ăn giúp cho vật nuôi tăng trưởng nhanh, kháng những bệnh thông thường, mẫu mã đẹp, thịt thơm ngon, phát triển đồng đều. Giun quế còn làm nguyên liệu chiến lược để bào chế thành các loại thực phẩm giàu đạm có tính dược cao, giúp người bệnh mau phục sức khỏe.

Khi khẳng định được tầm quan trọng của giun quế trong tạo độ màu mở của đất và tăng dinh dưỡng cho vật nuôi. Nhóm đã bắt tay chọn địa điểm triển khai thí nghiệm là vùng đất bạc màu bỏ hoang ở khu vực gò đồi phường An Tây. Sau đó, tiến hành thu gom phân động vật tại khu An Cựu City và Phường An Tây, tránh ô nhiễm môi trường và cảnh quan đường phố.

Em Trần Thị Thu Uyên – Trường THCS Đặng Văn Ngữ cho hay: Nếu trước đó, người ta nuôi giun quế trên nền xi măng, cần nhiều diện tích, đòi hỏi địa hình tương đối bằng phẳng vì thế chi phí khá cao. Thì chúng em lại nuôi giun trong thùng xốp (vật liệu phế thải), có nắp đậy tránh được ô nhiễm môi trường. Vật liệu này không thấm nước, rất phù hợp cho vùng thấp trũng ở phường An Đông về mùa mưa lũ; rất thuận lợi cho các hộ gia đình có diện tích nhỏ hẹp như vùng gò đồi ở phường An Tây, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm diện tích đất (các thùng có thể xếp chồng lên nhau) nhưng hiệu quả nuôi vẫn đạt năng suất cao, khoảng 1-1,5 kg/m2/tháng.

Kết quả sau 4 tháng, trọng lượng trung bình gà ở lô thí nghiệm đạt 1.560,9 (g/con), ở lô đối chứng đạt 1.225,4 (g/con), lô thí nghiệm tăng hơn lô đối chứng 27,4%. Ngoài ra, còn góp phần giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, đảm bảo không có chất phụ gia hóa học và dư lượng kháng sinh trong thức ăn. Còn rau phát triển nhanh hơn khi sử dụng phân giun quế bổ sung vào đất vườn để trồng. Điều này chứng minh, dùng phân giun quế cải tạo vùng đất bạc màu sẽ góp phần giảm đất hoang, tăng diện tích đất trồng..

Đánh giá về hiệu quả đề tài, ThS. Trần Giải – Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Quy trình chăn nuôi và trồng rau màu ở các hộ gia đình trong địa phương đa số là tự phát, thiếu cơ sở khoa học, chưa tuân theo quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng còn hạn chế. Đặc biệt, có nhiều hộ gia đình trong quá trình chăn nuôi và trồng trọt, quá lạm dụng thức ăn công nghiệp và thuốc hóa học nên sản phẩm tạo ra không bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm. Nuôi giun quế sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và tạo độ màu mỡ cho đất là hướng phát triển mới trong ngành nông nghiệp, đề tài này được đánh giá cao ở tính sáng tạo từ những vấn đề không mới, thể hiện ở chỗ các em đã xây dựng được một quy trình khép kín trong việc nuôi giun quế – trồng rau – nuôi gà để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo ra hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và góp phần đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đề tài đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả tại phường An Đông và An Tây, thành phố Huế.

 

Các em: Trần Thị Thu Uyên, Trần Thị Quỳnh Nhi, Nguyễn Thị Quỳnh Anh (mặc áo xanh, từ trái qua phải) nhận giải nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VIII, năm 2015.

 

Nhóm tác giả thử nghiệm sử dụng phân giun quế bổ sung vào đất để trồng rau.

Doãn Quan







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM