Sự thật về ngôi mộ chữa bách bệnh

Mỗi ngày có hàng trăm người kéo đến ngôi mộ của một thầy tu tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế để xin “nước thánh” và “thuốc phép” chữa bệnh. Thuốc ở đây là nước lọc, lá cây rừng và rượu ngâm gừng.

Mộ cổ chữa bách bệnh?

Thời gian gần đây, người dân đổ xô lên núi Độn Chao ở thôn La Khê Hói giáp ranh thôn Kim Sơn (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thuỷ) để tìm một ngôi mộ cổ theo tin tồn là có thể chữa được “bách bệnh”, nhiều người dân đến đây cúng bái, cầu xin để được lành bệnh. Theo một số người lên đây cho biết, họ bị đau khớp, tim mạch, huyết áp, thậm chí cả ung thư gan giai đoạn 2… nhưng khi lên ngôi mộ này, đem theo một ít nước lọc, rượu gừng, một ít lá rừng rồi bái lạy, cầu xin, sau đó về lấy rượu xoa vào chỗ đau, nấu nước lá uống hoặc uống trực tiếp nước lọc đã được để bên cạnh mộ cúng xin thì bệnh có thuyên giảm. Có người trực tiếp đặt tay lên tháp mộ rồi xoa vào các chỗ đau trên cơ thể để bớt đau… 

Tuy nhiên, thực hư thế nào thì chưa rõ, nhưng ở đây đã xuất hiện một số kẻ lợi dụng niềm tin của người dân, một đồn thổi thành mười, lên đồng trở thành chức ông này, ông nọ để làm phù phép chữa bệnh. Thêm nữa, việc bày bán và đốt đồ mã tràn lan, khói nghi ngút, thắp hương xung quanh ngôi mộ… tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, nhất là vào mùa nắng nóng như hiện nay.  Đầu tháng 5/2012, từ thông tin của một người phụ nữ cho rằng nhờ lên mộ thắp hương, cầu khấn và thêm việc lấy thuốc lá làm bùa ngải… bà đã chữa được bệnh khớp. Tiếp đó, xuất hiện một số kẻ lợi dụng niềm tin của người dân, đồn thổi lên để trục lợi.

Để tìm hiểu thật hư sự việc, chúng tôi đã đến khu vực này. Điểm dừng chân của “bệnh nhân” là ngôi mộ của một thầy tu (chưa rõ danh tính và được người dân gọi là mộ Thầy Tu). Hàng chục người sau khi đặt lễ vật gồm nước, rượu, lá cây và tiền lên bàn hương thì hì hục quỳ lạy, miệng lầm rầm cầu xin đủ mọi điều. Một người đàn ông tự xưng là “thầy” lấy nước suối của mọi người đặt lên ngôi mộ để làm phép hóa thuốc chữa bệnh.

“Thầy” huơ chân múa tay, ngậm nước suối vào miệng và phun lên đám đông đang há hốc mồm trông chờ. Sau đó, “thầy” phán mọi người đã hết bệnh. Hết lượt này đến lượt khác, dòng người đủ mọi lứa tuổi ồ ạt từ các nơi đổ về mộ Thầy Tu ngày càng đông. Hàng chục người dân địa phương cũng bỏ bê việc mưu sinh để lên bán hàng quán, hướng dẫn cho “bệnh nhân”. Anh Phúc, người trông coi hương khói và bán đồ chữa bệnh, cho biết trước đây rất ít người biết mộ Thầy Tu nhưng từ sau Tết đến nay bỗng nhiên có nhiều người ở khắp nơi về chữa bệnh. Từ đầu tháng 5 đến nay, mỗi ngày có khoảng 200 – 300 người, đông nhất là vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng.

Hiểm họa khôn lường

Người phụ nữ tên Nga, chị của anh Phúc, khoe rằng khoảng 80% người lên đây xin thuốc thánh đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khi được hỏi về những trường hợp cụ thể, Nga ấp úng trả lời vòng vo rồi lảng đi chỗ khác. Theo tìm hiểu, mọi việc bắt đầu từ tin đồn có “thuốc phép”, “nước thánh” và sự linh nghiệm của mộ Thầy Tu. Những người bán hàng, người xưng là “thầy” ở đây đã “quảng cáo” thêu dệt những điều này.

Thầy cúng, lên đồng hoành hành

Ông Nguyễn Thái, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, cho biết: “Việc người dân lên mộ Thầy Tu để chữa bệnh xảy ra từ đầu năm đến nay, nhưng từ tháng 5 trở lại đây thì càng nhiều. Việc chữa bệnh như vậy là trái phép, nhảm nhí, không có cơ sở khoa học.  Xã Thủy Bằng vừa kết hợp với Phòng Y tế thị xã Hương Thủy lấy mẫu nước, lá cây, rượu để kiểm tra, xét nghiệm. Ủy ban nhân dân thị xã Hương Thủy cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn để có phương án xử lý; đồng thời vận động, tuyên truyền người dân không nên đổ xô đến chữa bệnh khi chưa có cơ sở khoa học và tiềm ẩn nhiều hậu họa. Xã Thủy Bằng vận động bà con địa phương không nên bỏ bê việc nhà để lên núi tham gia vào việc chữa bệnh, gây mất an ninh trật tự. “Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn triệt để việc người dân lên núi, kiên quyết không để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan”, ông Thái cho biết.  

Khu vực để chữa bệnh nằm trong hành lang bảo vệ lăng Thiệu Trị và lăng Khải Định, nên ảnh hưởng không tốt đến di tích và du khách tham quan. Hơn nữa, việc thắp hương, đốt vàng mã tràn lan rất khó kiểm soát, dễ dẫn đến cháy rừng đặc dụng do Lâm trường Tiền Phong quản lý. Lãnh đạo lâm trường đã báo cáo sự việc và đề nghị các cơ quan ban ngành có biện pháp xử lý; đồng thời cử nhân viên túc trực tại khu mộ này và sẵn sàng ứng cứu, xử lý sự cố nếu xảy ra.

 

Ngọc Minh

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: