Tại sao bệnh Covid-19 lây lan nhanh và rộng?

  • Trần Đình Bình,Trần Thanh Loan
  • 21-04-2020
  • 248 lượt đọc
Phổ biến kiến thức KH&CN;

Nhiều nhóm nguyên nhân có thể liên hệ đến việc lây lan rộng và nhanh của COVID-19, tổng hợp lại, chúng ta có thể thấy 3 nhóm nguyên nhân quan trọng là tác nhân gây bệnh, dịch tễ học của bệnh và các yếu tố kinh tế xã hội. Từ đó để nhận xét các chiến lược dự phòng hợp lý là phát hiện sớm, cách ly nhanh, khoanh vùng hợp lý, các biện pháp vệ sinh cá nhân, hoạt động cộng đồng…quyết liệt, chính xác đã ngăn chặn hiệu quả việc lây lan COVID-19 như mức độ hiện tại. Nếu không, nguy cơ một đại dịch toàn cầu với số người mắc và số người tử vong sẽ khủng khiếp hơn nhiều.

      Covid-19 đã trở thành một đại dịch toàn cầu "càn quét" qua mọi châu lục, trừ châu Nam Cực khi hơn 160 quốc gia trên Thế giới báo cáo ca bệnh và khiến gần 200.000 người nhiễm bệnh với gần 8.000 người tử vong (cho tới ngày 18/3/2020) [10]. So với cúm, cúm mùa hay so sánh gần hơn với SARS-CoV 2003 thì COVID-19 lây lan với tốc độ kinh hoàng cả về không gian và thời gian [1],[11]. Nhiều nghiên cứu đã lý giải phần nào việc lây lan của bệnh, bài viết này cố gắng tập hợp một cách hệ thống nguyên nhân lây lan của COVID-19 để có thể ứng dụng phần nào trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 nói riêng và các bệnh có thể do virus mới nổi nói chung.

      Nhiều nhóm nguyên nhân có thể liên hệ đến việc lây lan rộng và nhanh của COVID-19, tổng hợp lại, chúng ta có thể thấy 3 nhóm nguyên nhân quan trọng là tác nhân gây bệnh, dịch tễ học của bệnh và các yếu tố kinh tế xã hội. Từ đó để nhận xét các chiến lược dự phòng hợp lý là phát hiện sớm, cách ly nhanh, khoanh vùng hợp lý, các biện pháp vệ sinh cá nhân, hoạt động cộng đồng…quyết liệt, chính xác đã ngăn chặn hiệu quả việc lây lan COVID-19 như mức độ hiện tại. Nếu không, nguy cơ một đại dịch toàn cầu với số người mắc và số người tử vong sẽ khủng khiếp hơn nhiều. [10],[11]

      1. Tác nhân gây COVID-19 sống sót khá dài trong môi trường

      Tác nhân gây COVID-19 là SARS-CoV-2, là một thành viên của Betacoronavirus, mặc dù có cấu trúc bao ngoài là glycoprotein, cấu trúc này dễ bị phá huỷ với các dung môi hữu cơ và chất khử khuẩn thông thường như Chloramin B, Ether, Desoxycholat, Xà phòng, hay tinh dầu [11]…Tuy nhiên nhiều nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng, SARS-CoV-2 có thể tồn tại khá dài trong môi trường khi ra khỏi cơ thể[1,2,3,4]. Các nhà khoa học thuộc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) đã tìm cách mô phỏng cách thức virus chuyển từ người bị nhiễm bệnh qua các đồ vật trong gia đình hoặc bệnh viện [1].

      Nghiên cứu chỉ ra rằng, trong các giọt bắn khi người mắc COVID-19 ho hoặc hắt hơi, virus có thể sống sót cũng như vẫn có thể lây nhiễm cho người khác trong ít nhất 3 giờ. Trên nhựa và thép không gỉ, virus có khả năng sống sót tới 3 ngày. Trên bìa cứng, virus không thể tồn tại sau 24 giờ. Trên đồng, mất 4 giờ để virus bị bất hoạt. Với thời gian tồn tại lâu trong giọt bắn và trên các bề mặt, như vậy SARS-CoV-2 có thể lây lan dễ dàng cho nhiều người trong một khoảng thời gian khá dài. Đây là một yếu tố quan trọng để SARS-CoV-2 lây lan nhanh và rộng cho cộng đồng [1].

      Nhiều nghiên cứu cho rằng nhiệt độ cao và độ ẩm cao có thể rút ngắn thời gian tồn tại của virus, tuy nhiên trên thực tế hiện nay COVID-19 đã lan rộng khắp toàn cầu bất kể nhiệt độ và độ ẩm của khu vực đó cao như thế nào?[2]

      2. Dịch tễ học và lây truyền của COVID-19

      Người mắc COVID-19 trong giai đoạn ủ bệnh hay giai đoạn đầu khi chưa có triệu chứng hoặc người mắc COVID-19 không có triệu chứng vẫn có thể lan truyền SARS-CoV-2. Thực tế cho thấy, cơ chế lây nhiễm của virus này gần giống với H1N1 hay cúm hơn là SARS [8]. Nó có thể lây nhiễm ngay khi các triệu chứng vẫn còn nhẹ, thậm chí những người không có triệu chứng (không có dấu hiệu bị bệnh) [5,6,7,9]. Có nghĩa là những người này có thể truyền virus trước khi phát bệnh mà không phát hiện được. Bởi vậy, số ca nhiễm COVID-19 cứ liên tục tăng, một “sự lây lan chưa từng thấy”. [4,10,11]

      Việc lây lan sớm trong thời kỳ ủ bệnh và suốt thời gian mắc bệnh, kể cả khi mắc bệnh không triệu chứng làm cho nguy cơ lây lan mà không kiểm soát được. Đây là lúc người nhiễm virus vẫn còn khoẻ, còn làm việc và có khả năng đi lại nên virus lây lan càng rộng và nhiều. Đây cũng là thời điểm mà chẩn đoán bằng xét nghiệm có thể chưa có kết quả, đặc biệt là xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm realtime RT-PCR cũng có thể âm tính vì lượng virus còn ít, lấy mẫu khó khăn…[4,11].

      Theo ước tính mỗi người mắc bệnh COVID-19 có thể lây cho ít nhất 3 hoặc 4 người khác, tuy nhiên chúng ta chỉ dự phòng lây lan khi đã chẩn đoán xác định, còn khi chưa có triệu chứng thì hầu như chưa có dự phòng, điều này làm cho việc lây lan rộng mà không biết. Vì vậy, kinh nghiệm nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore…là phát hiện sớm, cách ly nhanh, cách ly diện rộng hay cả khu vực…đều có hiệu quả trong dự phòng lây lan rộng [5,10].

      Ngoài ra, COVID-19 có triệu chứng lâm sàng khá giống với cúm mùa hay cảm lạnh thông thường, có thể vì thế mà nhiều người bệnh hay thầy thuốc cũng bỏ sót hay không để ý, chính lúc đó họ chính là những người phát tán virus làm cho bệnh dễ lây lan rộng trong bệnh viện hay cơ sở y tế..

      3. Kinh tế xã hội, môi trường và ý thức cộng đồng

      Ngày nay, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhiều hoạt động xã hội tụ tập đông người, nhiều lễ hội, nhiều hoạt động tôn giáo, nhiều thói quen xã hội (ôm hôn, bắt tay…) tạo thuận lợi cho việc lây lan qua cả giọt bắn, qua không khí và tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp. Nhiều quốc gia đã đề xuất hạn chế hội họp, tụ tập đông người đã hạn chế được việc lây lan rộng của COVID-19 [10,11].

      Hoạt động giao thương rộng rãi trên toàn cầu, du lịch quốc tế, quốc nội, sử dụng phương tiện giao thông công cộng… chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Nhiều quốc gia đã có sự đình chỉ và hạn chế lưu thông đi và đến vùng dịch, quốc gia đang có dịch hay đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện sớm nên vẫn không kịp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đáng sợ hơn là rất nhiều người nhiễm bệnh COVID-19 nhưng không có triệu chứng trên khắp thế giới có thể đang làm việc, đi lại, vẫn đang đi du lịch làm cho việc lây lan bệnh càng rộng, càng nhanh [10].

      Đối phó với dịch bệnh COVID-19, WHO và ngành y tế các quốc gia, các địa phương đã có nhiều khuyến cáo về vệ sinh cá nhân (khẩu trang, vệ sinh tay…), vệ sinh công cộng, cách ly, hạn chế tụ tập đông người, giảm đi lại, du lịch khi không cần thiết, khám bệnh sớm để tránh lây lan cho người khác…Tuy nhiên một bộ phận người dân chưa có ý thức phòng bệnh và ý thức cộng đồng, chủ quan và coi thường dịch bệnh, phớt lờ những khuyến cáo của cơ quan chức năng làm cho việc lây lan càng nhanh, càng rộng và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 càng khó khăn hơn [8,10].

      Dẫu sao, cho đến nay mới chỉ một thời gian ngắn, chủng mới virus corona SARS-CoV-2 gây COVID-19 dù chưa từng được xác định trước đó đã được nghiên cứu khá đầy đủ, hiểu biết về các giai đoạn lây bệnh đã khá rõ ràng, nhiều xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán xác định đã được sử dụng, các nhà khoa học đang nghiên cứu và thử nghiệm vacxin dự phòng,..chúng ta hy vọng sẽ sớm kiểm soát được sự lây lan của COVID-19. Trước mắt, mỗi cá nhân nên chủ động bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế [10]. 

Trần Đình Bình*, Trần Thanh Loan**

*Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Huế

**Bộ môn Sinh lý bệnh-Miễn dịch, Trường Đại học Y Dược Huế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM