Thông điệp 2014 của Thủ tướng: Động lực từ đổi mới thể chế và quyền làm chủ của nhân dân

Trong thông điệp đầu năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đây là thời điểm cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Lao Động trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Động lực từ những cải cách trước đây không còn đủ mạnh
Mặc dù kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi; kinh tế – xã hội nước ta chuyển biến tích cực, nhưng khó khăn, thách thức còn lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2014.
Trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển, nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. 
Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.
Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo
Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ rõ nước ta là một nước dân chủ, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng… Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.
Nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.
Kiên quyết tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Mọi DN thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền DN và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực. Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả. 

DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Gắn phát triển bền vững với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện đường lối đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế, yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. 

Vì vậy, phải thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và cũng là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải tập trung thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. 
Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Khó khăn, thách thức là rất lớn; nhưng đây là cơ hội để thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ hơn, đòi hỏi phải có quyết tâm và bản lĩnh chính trị rất cao. Bản lĩnh của Đảng và nhân dân ta đã tỏa sáng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bản lĩnh đó cũng đã tỏa sáng khi đất nước ta đối mặt với khủng hoảng kinh tế – xã hội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước để hình thành đường lối đổi mới.
Ngày nay, thế và lực của chúng ta đã mạnh hơn nhiều. Nhất định bản lĩnh đó sẽ lại tỏa sáng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc lên tầm cao mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa – dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Theo Lao động
Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: