Thử tìm giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho huyện Quảng Điền

Trên thế giới, du lịch nông nghiệp được hình thành và phát triển ở nhiều nước từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Đây là hình thức xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp tại chỗ một cách hiệu quả, đồng thời giới thiệu đến khách tham quan nét đẹp trong lao động, sự giàu có về văn hóa, nhân văn của người nông dân ở mỗi quốc gia, vùng, miền.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam còn nhiều khó khăn

Ở Việt Nam, từ lâu, vùng nông thôn đã có 3 hình thức du lịch phổ biến là du lịch tự nhiên: đi thăm cảnh quan tự nhiên, mang tính giải trí; du lịch văn hóa: đi thăm công trình văn hóa, lịch sử và khảo cổ ở địa phương; du lịch sinh thái: đi thăm các nguồn lợi tự nhiên cũng như phúc lợi, giá trị văn hóa của người dân địa phương. Nhưng về du lịch đón tiếp tại hộ nông dân: du khách tham gia, chia sẻ với cuộc sống thường ngày và các hoạt động của cư dân nông thôn và du lịch nông nghiệp: du khách tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống, thưởng thức các nông sản và mua bán sản phẩm bản địa mới chỉ là bước đầu, tự phát.

Theo TS. Đào Thế Anh: “Nền tảng của du lịch nông nghiệp (DLNN) là nông nghiệp và nghề truyền thống. Mô hình có thể thay đổi theo thời gian và không gian cho phù hợp; thay đổi từ tham quan đến tham gia. DLNN không cạnh tranh mà bổ sung cho các loại hình du lịch khác. DLNN có tính liên ngành, không tách rời các hoạt động phát triển nông thôn (nông nghiệp – du lịch – xã hội) và có tính liên vùng (mạng lưới – hợp tác). Vì thế, cần giữ vững các nguyên tắc trong phát triển DLNN: đảm bảo công bằng cho các chủ thể tham gia; đem lại lợi ích cho người dân địa phương và phát huy nội lực; bảo tồn, phát huy vốn di sản và bảo vệ môi trường; luôn đổi mới và tạo sự khác biệt, liên kết làm phong phú sản phẩm; giữ gìn bản sắc, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách; đóng góp vào phát triển nông thôn bền vững”.

Tiềm năng của DLNN ở nước ta rất lớn, do là nước nông nghiệp, có khoảng hơn 70% dân cư đang sinh sống ở nông thôn. Nông thôn chúng ta đa dạng về điều kiện sinh thái rất được du khách quan tâm, người dân nông thôn lại có truyền thống hiếu khách.

Hiện nay, du lịch đón tiếp tại nông hộ (homestay) đã xuất hiện khá nhiều ở Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Hội An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ…Có hộ mỗi tháng đón 10 – 20 du khách ăn nghỉ, phần lớn là khách Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan…, thu nhập trung bình của mỗi hộ từ 20 đến 100 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, trong thực tế, du lịch nông nghiệp, nông thôn gặp không ít khó khăn. Tour Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Làng cổ Phước Tích, Nhà vườn Huế, lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch phần lớn rơi vào các công ty lữ hành, chỉ còn phần nhỏ chia cho một số hộ có nhà cổ, nhà vườn nên đã gây thắc mắc cho cộng đồng dân cư chung sống trong làng du lịch.

Tham quan cách trồng, giới thiệu quy trình sản xuất và kết hợp bán Trà rau má có thể là một mô hình DLNN hiệu quả.

 

Hướng đi cho du lịch Quảng Điền

Quảng Điền, huyện nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế, là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, được hình thành và phát triển khá sớm trong lịch sử mở nước của dân tộc. Nhân dân Quảng Điền vốn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng trong chiến đấu. Từ đó vun đúc và hình thành nên những yếu tố văn hóa mang tính đặc thù của một vùng đất. Quảng Điền còn là thủ phủ của Chúa Nguyễn với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử như: Thành Hóa Châu, Phủ Phước Yên, Phủ Bác Vọng; những người con ưu tú của Quảng Điền đã tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc như: Nguyễn Hữu Dật, Đặng Tất, Đặng Dung, Trần Thúc Nhẫn, Đặng Hữu Phổ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nhà thơ Tố Hữu. Những tinh hoa đó đã được các thế hệ nối tiếp phát huy, giữ gìn. Ngoài ra, Quảng Điền cũng là địa phương lưu giữ nhiều ngành nghề truyền thống với nghề đan lát Bao La, Thuỷ Lập, nghề nón lá Hạ Lang; nghề bún Ô Sa, rượu Lai Hà, rau Thành Trung…Quảng Điền cũng là nơi lưu giữ những di tích gắn liền với những câu chuyện mang tính huyền sử như: mộ Ba Tầng, miếu Bà Tơ, Miếu thờ Huyền Trân Công Chúa…

Là một địa phương vốn nằm trên đường thiên lý Bắc Nam; trong đó, Sịa và Hóa Châu là những địa phương đô thị hóa từ rất sớm, thuở trước là vùng đất có vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển của những vùng lân cận. Quảng Điền, vùng đồng bằng ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 15 km về phía bắc, diện tích tự nhiên rộng 16.307,7 ha, dân số gần 100.000 người, mật độ bình quân 600 người/km2, gồm 11 xã, thị trấn. Quảng Điền  là vùng đất đầy thơ mộng, gắn liền với phá Tam Giang ghi dấu ấn mạnh mẽ trong thơ ca và lịch sử mở nước của dân tộc.

Mặc dù là một huyện nằm gọn trong vùng châu thổ của sông Bồ, Sông Hương  và Sông Ô Lâu nhưng nơi đây đã bước đầu quy hoạch được mạng lưới giao thông khá hợp lý với 11 km bờ biển đẹp, trong sạch, cát trắng mịn màng, gió mơn man, sóng xanh, nắng vàng cùng với tình cảm thân thiện, chân chất, mộc mạc của người dân biển hiền hòa. Từ trung tâm huyện lỵ đã có nhiều tuyến giao thông đối ngoại giúp rút ngắn khoảng cách giữa Sịa với thành phố Huế và với các vùng lân cận.

Huyện Quảng Điền hiện có hai điểm du lịch cộng đồng đã hoạt động từ 06 năm nay: Tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, bình quân mỗi năm đón tiếp khoảng 500 khách, chủ yếu là khách Pháp, do công ty Viettravel Hội An đưa đến. Tại xã Quảng Ngạn, mỗi năm đón tiếp khoảng 300 khách, chủ yếu là người Anh và Pháp do công ty An Thạnh tổ chức.

Điểm chung của các tour du lịch này là thời gian lưu trú từ một buổi đến một ngày đêm, sở thích của du khách là được lưu trú trong dân (homestay), tham gia các hoạt động nông nghiệp.

Tuy nhiên, các hoạt động DLNN, nông thôn như trên đây chưa nhiều, phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu, sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, thiếu đa dạng và chuyên nghiệp. Bởi lẻ DLNN, du lịch đón tiếp tại hộ nông dân còn tự phát. Ngành du lịch chưa thực sự vào cuộc. Các cấp chính quyền và cơ quan chuyên trách ở địa phương cũng còn lúng túng với 2 loại hình du lịch này,  đồng tình ủng hộ nhưng chưa có sự chỉ đạo sâu sát, chưa có cơ chế chính sách đồng bộ.

Muốn phát triển bền vững các loại hình du lịch này, thiết nghĩ cần có khung pháp lý và qui hoạch để thu hút được đầu tư, tránh để nông dân tự xoay xở. Chiến lược phát triển nông nghiệp cũng nên định hướng nội dung phát triển DLNN để có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ và có sự đầu tư thích đáng hỗ trợ nông dân, trước hết là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn.

Huyện cần xây dựng chiến lược phát triển nền nông nghiệp XANH (NNX)

Khái niệm NNX là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều  kiện cho sự chuyển hóa  khép kín trong  hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.

Sản xuất NNX nói không với 5 nguồn vật liệu đầu vào bao gồm: không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, sản phẩm đột biến gen và phân bắc mà chủ yếu là dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác. Với phương thức canh tác làm việc với chu trình tự nhiên, bảo toàn và làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp  xanh mang lại lợi ích vô cùng to lớn không chỉ đối với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng mà còn góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền nông nghiệp.

Xây dựng chương trình phát triển DLNN, trước mắt xây dựng một số mô hình thí điểm như: Trang trại sinh thái, làng sinh thái…

Vùng trang trại của Quảng Điền đã được hình thành và có tiềm năng du lịch, huyện cần định hướng qui hoạch thành vùng trang trại sinh thái, trang trại được qui hoạch đảm bảo tính khoa học, sản xuất theo phương thức NNX, có khả năng đón tiếp khách du lịch đến lưu trú và tham gia các hoạt động của trang trại.

Bên cạnh đó, huyện cần xây dựng thí điểm mô hình làng sinh thái: Đặc điểm của mô hình này là làng truyền thống với những đặc trưng của nông thôn miền trung Việt Nam, môi trường, cảnh quan, sinh thái được bảo vệ. Khôi phục các hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống (thủ công từ khâu chọn giống bản địa, làm đất, gieo mạ đến xay giã, dần, sàn, chế biến kết hợp nghề truyền thống như mây tre…). Có thể chọn một làng thuộc xã Quảng Lợi, tổ chức sản xuất và chế biến gạo đỏ theo hình thức truyền thống, phát triển nghề đan tre tạo ra các sản phẩm lưu niệm, tạo điều kiện cho du khách tham gia vào các công đoạn của sản xuất nông nghiệp và thủ công để thu hút du khách (Kết hợp xây dựng thương hiệu gạo đỏ).

Chính quyền các cấp hỗ trợ đào tạo các kỹ năng cần thiết về du lịch nông thôn, hỗ trợ quảng bá du lịch cho cộng đồng. Tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với cộng đồng trong phát triển du lịch nông nghiệp. Hỗ trợ xây dựng các hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho các vùng du lịch như: đường giao thông, bến thuyền, bãi tắm, nhà vệ sinh công cộng…khuyến khích người dân xây dựng nhà ở đủ tiêu chuẩn đón khách lưu trú theo kiểu homestay, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn.

Tình trạng mất công bằng trong phân chia lợi nhuận giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch cũng cần được giải quyết. Vì nông dân là người chủ thật sự trong các loại hình du lịch đặc thù này, nên họ phải được hưởng thụ chính đáng.

DLNN, nông thôn có thể được coi là một giải pháp xây dựng nông thôn mới, vì nó góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo cho nông thôn, bảo vệ môi trường nông thôn, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn.

ThS. Trần Giải

 

Người cập nhật: Nguyễn Doãn Quan

Các bài viết khác: