Thừa Thiên Huế: Có 10 đề tài đạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2018 (15/02/2019)

Theo thông tin từ Qũy Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), sau khi phát động Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2018 (Giải thưởng), Ban Tổ chức đã nhận được 101 công trình đăng ký tham gia Giải thưởng của các nhóm tác giả, tác giả trên phạm vi toàn quốc: Lĩnh vực Cơ khí tự động hoá 20 công trình; Lĩnh vực Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống 29 công trình; Lĩnh vực Công nghệ thông tin , điện tử, viễn thông 14 công trình; Lĩnh vực Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên 13 công trình; Lĩnh vực Công nghệ Vật liệu 12 công trình; Lĩnh vực Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới 13 công trình.

 

Qua đánh giá của các Hội đồng giám khảo, Giải thưởng năm nay có 45 công trình được xét trao giải. Trong đó Thừa Thiên Huế có 10 công trình đoạt Giải thưởng toàn quốc năm 2018 và đặc biệt là có một đề tài đạt giải là của một nhà khoa học người nước ngoài.

 

Năm 2018 Thừa Thiên Huế đã tham gia 32 đề tài và góp phần cho Giải thưởng toàn quốc đạt kết quả cao

 10 công trình của Thừa Thiên Huế đoạt Giải thưởng toàn quốc năm 2018, trong đó có 02 giải Nhì, 02 giải Ba và 06 giải Khuyến khích, đó là:

1. Tinh chế muối ăn thành dung dịch muối tinh khiết, chế tạo điện phân javel đảm bảo an toàn cho con người và môi trường của ThS. Trương Công Nam – Công ty CP cấp thoát nước Thừa Thiên Huế – Đạt giải Nhì.

2. Bể lắng – lọc thông minh chất lượng cao thân thiện môi trường của ThS. Trương Công Nam – Công ty CP cấp thoát nước Thừa Thiên Huế – Đạt giải Nhì.

3. Giá trị của asymmetric dimethylarginine huyết tương trong việc đánh giá tiến triển của bệnh thận và nguy cơ bệnh tim mạch ở bệnh nhân bệnh thận mãn của TS. Hoàng Trọng Ái Quốc – Bệnh vịên Trung ương Huế – Đạt giải Ba.

4. Nghiên cứu phát triển, đào tạo và triển khai phương pháp mới để bảo tồn các công trình di sản có trang trí, áp dụng kỹ thuật các thiết kế nguyên bản, đặc biệt là kỹ thuật thất truyền “vẽ Fresco” và “vữa màu” của ThS. ANDREA TEUFEL – Hội bảo tồn Di sản văn hóa Đức (GEAK) tại Thừa Thiên Huế – Đạt giải Ba.

5. Giải pháp sử dụng thiết bị điều khiển tự động để điều khiển máy phát điện, giám sát, điều khiển nguồn cấp điện cho các trạm VT, BTS của TS. Dương Tuấn Anh – Viễn thông Thừa Thiên Huế – Đạt giải Khuyến khích.

6. Chế tạo thiết bị phát sóng siêu âm công suất từ vật hiệu áp điện PZT-PMSN và ứng dụng trong công nghiệp tẩy rửa của TS. Lê Đại Vương  – Trường cao đẳng công nghiệp Huế – Đạt giải Khuyến khích.

7. Nghiên cứu kỹ năng sàng lọc và chẩn đoán trước sinh bệnh thai lassemia tại tỉnh Thừa Thiên Huế của PGS.TS. Nguyễn Duy Thăng – Trung tâm huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương Huế – Đạt giải Khuyến khích.

8. Kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính của GS.TS. Trần Đăng Hòa – Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế – Đạt giải Khuyến khích.

9. Ảnh hưởng của biện pháp quản lý phân bón và nước tưới đến phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa và rau xà lách của PGS.TS Hoàng Thị Thái Hòa – Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế – Đạt giải Khuyến khích.

10. Xác định các loài vi nấm thuộc giống nấm Candida và xác định độ nhạy cảm với thuốc kháng nấm của mẫu phân lập được từ bệnh nhân điều trị tại bệnh viện trường đại học Y Dược Huế của TS. Ngô Thị Minh Châu – Bộ môn ký sinh trùng – Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế – Đạt giải Khuyến khích.

Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị được Ban tổ chức đánh giá là đơn vị có số lượng đề tài tham gia đoạt giải và đoạt giải cao nhiều nhất từ trước đến nay. Điều đó thể hiện sức sáng tạo và phong trào nghiên cứu khoa học của đội ngũ các nhà khoa học và trí thức của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều đề tài có giá trị sử dụng thiết thực, được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại có giá trị kinh tế, xã hội cao.

Được biết, Lễ tổng kết và trao giải Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2018 dự kiến vào ngày 14/5/2019 tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội.

Hồ Thành

 

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: