Thừa Thiên Huế phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững

  • Nguồn: Theo Báo mới
  • 18-03-2020
  • 297 lượt đọc
Tin khoa học công nghệ

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chủ trương, biện pháp phát triển nhanh các ngành kinh tế, trong đó có phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các địa phương đã ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020.

       Ứng dụng sản xuất công nghệ cao

       Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở rộng vùng chuyên canh sản xuất lúa hữu cơ, thông qua việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nhiều vùng trong tỉnh, nông dân sản xuất lúa không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và chỉ áp dụng kỹ thuật cao; doanh nghiệp thu mua lúa và hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cho nông dân. Ðiển hình là mô hình liên kết giữa Công ty TNHH một thành viên Nông sản hữu cơ Quế Lâm với hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phú Lương (huyện Phú Vang) sản xuất giống lúa hữu cơ chất lượng cao như BT7, DT39… Theo ông Nguyễn Thụ, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lương, hiện diện tích sản xuất lúa hữu cơ ở Phú Lương đã đạt 130 ha.

       Ông Hồ Ðắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài HTX Nông nghiệp Phú Lương, ở Thừa Thiên Huế đã có khoảng 3.000 ha lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ, chất lượng cao, phần lớn tập trung ở hai huyện Phú Vang, Quảng Ðiền. Các vùng sản xuất loại lúa này đều có sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nhằm tạo thương hiệu gạo sạch, có giá trị cao. Một nông sản khác cũng đang được thị trường tiêu thụ rất tốt, đó là cây đặc sản thanh trà ở phường Thủy Biều (TP Huế). Hiện nay, với tổng diện tích cây thanh trà ở phường Thủy Biều gần 300 ha, người trồng thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha/vụ thanh trà.

       Từ giữa năm 2017, tại phường Thủy Biều (TP Huế) bắt đầu triển khai hai dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ðó là dự án của doanh nghiệp Yên Hà Hương Giang trên diện tích khoảng 2.000 m2 và dự án do ông Trương Như Hải, hợp tác bốn hộ nông dân xây dựng trên diện tích 1.500 m2. Trong đó, dự án của ông Trương Như Hải được xem là mô hình thí điểm đầu tiên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Huế. Dự án gồm nhà kính rộng 1.300 m2 do Công ty nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công, ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới nhỏ giọt và hệ thống làm mát của I-xra-en. Chủ đầu tư dự án, ông Trương Như Hải cho rằng, ưu điểm của mô hình này là không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống làm mát, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống tưới nhỏ giọt còn có thể kiểm soát được hoàn toàn dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng cho nên sản phẩm an toàn, đầu ra hết sức thuận lợi.

       Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, từ giữa năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất nông sản an toàn. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư 12 tỷ đồng để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, đối tượng áp dụng là các cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. "Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, phát triển sản xuất nông sản an toàn và nông nghiệp công nghệ cao là cơ hội để nông dân thoát nghèo, làm giàu một cách bền vững ngay trên chính mảnh đất của mình", ông Hồ Vang chia sẻ.

       Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

       Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, đến nay các địa phương trong tỉnh đã nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng được 26 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 20.000 m2; các mô hình ứng dụng theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục phát triển, mở rộng tại các địa phương với diện tích lúa hơn 1.096 ha và 103 ha các loại rau (rau má, cải, xà lách, rau thơm,…). Nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ cho 353,3 ha; 21,6 ha rau các loại. Một số hộ nông dân mạnh dạn đầu tư thành lập trang trại, nhà lưới sản xuất trồng trọt theo hướng công nghệ cao như trang trại trồng dưa lưới ở phường Thủy Biều (TP Huế) và rau thủy canh ở xã Phú Thượng (huyện Phú Vang),…

       Tại một diễn đàn về thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức gần đây với chủ đề "Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững – an toàn – ứng dụng công nghệ cao", Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp như diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 70.000 ha, diện tích rừng lớn gần 335.000 ha, đặc biệt đầm phá Tam Giang – Cầu Hai rộng 22.000 ha, lớn nhất Ðông – Nam Á. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản hơn 7.400 ha cùng với nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa biển, cửa sông giàu dinh dưỡng…

       Tuy nhiên, theo chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thì lĩnh vực nông nghiệp của Thừa Thiên Huế vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực và sản phẩm chủ lực vẫn còn chậm, chưa có những đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp; sản xuất quy mô nhỏ và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều; nhất là chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, tiềm lực kinh tế, công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp làm động lực, đầu tàu cho phát triển nông nghiệp của tỉnh.

       Nhằm phát huy thế mạnh, dư địa và văn hóa của vùng đất Cố đô Huế, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là tạo ra các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ khuyến khích, ưu đãi chính sách đầu tư vào các dự án như: Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng công nghệ cao; đầu tư hình thành vùng sản xuất lúa, rau hữu cơ quy mô lớn, liên kết bao tiêu và chế biến sản phẩm chất lượng cao; khuyến khích người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… tỉnh cũng sẽ tập trung vào các dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên các dự án liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm theo công nghệ mới và các dự án nghiên cứu lai tạo, cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao. Thực hiện các dự án nuôi tôm trên cát áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC,…) và dự án phát triển trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu dược quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến dược liệu gắn với ngành y học cổ truyền…

      Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2020 với tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt hơn 3,5%/năm; sản lượng lương thực có hạt đạt từ 310 đến 320 nghìn tấn/năm (trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt từ 80 đến 100 nghìn tấn/năm); sản lượng thủy sản đạt 73 nghìn tấn/năm; tỷ lệ độ che phủ rừng 57%; thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên từ 1,6-1,9 lần so với năm 2016. Theo ông Phan Ngọc Thọ, tỉnh sẽ cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất và sẵn sàng trao đổi, thảo luận để giải quyết các kiến nghị, hiến kế của các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn lâu dài và có hiệu quả tại địa phương.







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM