Thuốc chống ung thư: Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng

1. Dùng thuốc với liều cao nhất, ít tác dụng không mong muốn mà cơ thể có thể chấp nhận được.

          2. Phối hợp thuốc để tránh kháng thuốc, nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tác dụng không mong muốn của thuốc.

          3. Khi pha loãng các thuốc chống ung thư để tiêm tĩnh mạch cần pha loãng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch glucose 5%. Cần chú ý khi tiêm để thuốc không thoát ra ngoài mạch gây hoại tử tổ chức tại chỗ tiêm.Ví dụ: Paclitaxel (Anzatax :Thuốc chống ung thư).

          Việc pha thuốc để truyền tĩnh mạch phải do cán bộ có kinh nghiệm tiến hành, ở một phòng thích hợp. Khi pha thuốc cần phải mang găng tay và tiến hành thận trọng để tránh thuốc tiếp xúc với da và niêm mạc. Việc pha thuốc phải đảm bảo vô khuẩn.

          Dung môi để pha thuốc có thể là: Dung dịch Clorua natri 0,9%, dung dịch Glucose 5%, hỗn hợp dung dịch Clorua natri 0,9% và dung dịch Glucose 5% hoặc hỗn hợp dung dịch Glucose 5% và dung dịch Ringer.

          Thông thường thuốc được pha trong các dung dịch trên sao cho dịch truyền có nồng độ Paclitaxel là 0,3 – 1,2 mg/ml. Chỉ dùng các lọ, chai truyền làm bằng thủy tinh, Polypropylen hay Polyolefin. Không dùng dụng cụ làm từ vật liệu Polyvinyl Clorid (PVC) vì chất dẻo PVC có thể bị phá hủy và giải phóng Di – (2 – ethyl – hexyl ) phtalat (DEHP) khi tiếp xúc với Paclitaxel và gây độc. Tiến hành truyền dịch ngay hoặc trong vòng 3 giờ sau khi pha xong. Không để dịch truyền đã pha vào trong tủ lạnh.

          Trong quá trình pha chế, dịch truyền có thể trở nên hơi đục là do dung môi của chế phẩm, cho nên dù lọc cũng không thể làm trong lại được. Khi truyền nên cho dịch chảy qua một bầu lọc có lỗ lọc không lớn hơn 0,22 mcm trên đường truyền.

          4. Thường dùng kèm thuốc chống nôn. Các dẫn xuất xuất Phenothiazin (kháng Histamin tổng hợp) thường dùng để chống nôn.  Tuy nhiên đối với một số thuốc như Doxorubicin, Dacarbazin là những

thuốc gây nôn mạnh nên có thể dùng thêm Benzodiazepin.

          5. Tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát cũng là một vấn đề cần lưu ý.

          Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus, cần quan tâm theo dõi. Ngoài ra hiện tượng sốt ở bệnh nhân có giảm bạch cầu cũng được xem như dấu hiệu của nhiễm khuẩn và vấn đề điều trị kháng sinh cũng được nêu ra.

          6. Thiếu máu. Thường gặp do thuốc chống ung thư ức chế tủy xương hoặc do các tế bào ung thư xâm nhập vào tủy xương. Cần truyền máu khi nồng độ Hemoglobin < 8g/dl.

          7. Giảm tiểu cầu.Cần truyền máu để nâng tiểu cầu lên 20.000/ml.

          8. Giảm bạch cầu.

          Là triệu chứng ngộ độc thường gặp khi dùng thuốc chống ung thư dài ngày và liều cao. Đi đôi với giảm bạch cầu cũng thường gặp nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn Gram âm. Ở trạng thái này cần truyền bạch cầu.

PGS.TS.Trương Thị Diệu Thuần

                                                           Trường Đại học Y Dược Huế

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: