Một số vấn đề cần quan tâm trong thực hiện Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân

  • Nguyễn Doãn Quan
  • 07-04-2016
  • 561 lượt đọc
Diễn đàn trí thức

Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội (viết tắt là ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (viết tắt là ĐBHĐND) vẫn dựa trên nguyên tắc cơ bản trong hoạt động bầu cử là: PHỔ THÔNG, BÌNH ĐẲNG, TRỰC TIẾP VÀ BỎ PHIẾU KÍN. Các nguyên tắc này tạo ra cơ chế phù hợp cho người dân có toàn quyền trong việc lựa chọn các đại biểu xứng đáng bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và tại các địa phương. Tuy nhiên để các nguyên tắc này đi vào cuộc sống thì việc đòi hỏi ý thức của người dân là rất cao trong việc nhận biết nội hàm cơ bản của các nguyên tắc đó. Người dân phải hiểu rõ đây là cơ hội tốt nhất để họ cân nhắc, họ lựa chọn các đại biểu mẩu mực, tiêu biểu để trao quyền lực cho các đại biểu đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Tiêu chí cơ bản có tính chất quyết định đến vị trí, vai trò của các đại biểu không phải chỉ “Tài” mà còn phải trọn vẹn về “Đức”, để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Các đại biểu phải có đầy đủ trí tuệ và lương tri, họ phải có sự cảm nhận đầy đủ về trách nhiệm trước nhân dân trong việc thực hiện quyền lực được nhân dân giao phó.

* Điều 6 HP 2013 : “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại biểu thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan của nhà nước”.

* Điều 7 (khoản 2) HP 2013 : “… ĐBQH, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội, HĐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.

Bởi vậy, nội dung cần lưu ý không phải chỉ là trách nhiệm của nhân dân trong việc lựa chọn mà vấn đề quan trọng hơn hết đó là trách nhiệm của người được lựa chọn ! Họ phải làm gì và làm như thế nào để xứng đáng với trọng trách trên vai ! Có lúc họ phải là “người đầy tớ” hiểu theo đúng nghĩa, là công bộc của dân, phải xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.

Trước khi bước chân vào quyền lực và sử dụng quyền lực được trao, mỗi đại biểu dân bầu phải nhận biết các nội hàm đó không phải chỉ bằng sự hiểu biết thông thường mà phải là sự hiểu biết của lương tri, của trách nhiệm thuộc phạm trù đạo đức, phải tự đặt câu hỏi cho mình là có đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ không ? Nếu không, phải biết từ chối; nếu là đương nhiệm, phải biết từ chức v.v…

Để có thể cống hiến sức mình cho đất nước, Luật quy định mọi công dân đều có quyền tham gia vào các cơ quan quyền lực của nhà nước, ngoài việc quy định các thủ tục và bước đi cụ thể để lựa chọn những người có đủ tài, đủ đức, thì tại chương VI của Luật đã quy định rõ về hoạt động tuyên truyền, vận động bầu cử. Theo đó điều 63 về nguyên tắc vận động bầu cử quy định :

Điều 63 : “Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó.

Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử”.

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử, thời gian tiến hành vận động bầu cử, hình thức vận động bầu cử như gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, thông qua phương tiện thông tin đại chúng… Đồng thời Luật cũng quy định những hành vi bị cấm trong các hoạt động vận động bầu cử (điều 68).

Không đề cập đến các nội dung này, đặc biệt là mục tiêu của vận động bầu cử, mỗi người dân phải hiểu vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được tín nhiệm và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện không để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, có điều kiện hiểu rõ hơn người ứng cử, đánh giá chính xác đối với người ứng cử để có cơ sở cân nhắc lựa chọn, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước, nói một cách khác là chọn đúng người có thể thay mặt mình góp phần quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước và tại các địa phương.

Các cuộc vận động về mặt nguyên tắc phải tuân thủ pháp luật và đảm bảo các yêu cầu cơ bản trong quá trình tiến hành vận động.

Về bản chất cuộc vận động chính là nơi để người ứng cử thể hiện tài năng trên cơ sở xây dựng và trình bày kế hoạch công tác trong suốt nhiệm kỳ nếu được trúng cử. Người dân phải có trách nhiệm tìm hiểu tính trung thực trong chương trình và kế hoạch đó, có quyền chất vấn để hiểu rõ hơn những điều đại biểu nói và tính khả thi về kế hoạch thực hiện của họ trong tương lai cũng như hậu quả mà họ phải gánh chịu nếu họ không hoàn thành trách nhiệm do chủ quan hoặc có dấu hiệu của sự bội ước, bởi có những bội ước có thể trở thành “tội đồ” của xã hội và nhất định họ không thể thờ ơ với những gì họ có thể gây ra kể cả nguyên nhân của sự yếu kém về
năng lực…

Như vậy, có thể hiểu vận động bầu cử không phải là sự lôi kéo, mua chuộc mà đó chính là môi trường để thể hiện sự khát khao cống hiến bằng năng lực và trách nhiệm của mình cho đất nước và cho xã hội.

Ngày bầu cử lần này đã được xác định là 22/5/2016 theo đúng quy định của Luật bầu cử 2015 về bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp, các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành các thủ tục cần thiết, các bước cơ bản để cuộc bầu cử được thực hiện đúng theo chương trình.

Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 51 CT/TW ngày 04/01/2016 về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp 2016 – 2021.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi không thể nêu hết những nội dung cơ bản của Luật bầu cử mới về bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp. Do đó mỗi công dân cần tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình nhằm thực hiện tốt nhất các cuộc bầu cử sắp tới./.

Ths. Luật sư Hoàng Ngọc Thanh

Phó Chủ tịch thường trực Hội luật gia tỉnh Thừa Thiên Huế

 







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM