Tiềm năng khoáng sản kim loại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Đinh Văn Chung
  • 14-08-2018
  • 769 lượt đọc
Diễn đàn trí thức

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khoáng sản kim loại như vàng, titan, chì kẽm …; có tiềm năng khá lớn, là những loại khoáng sản lợi thế của tỉnh, cần được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, các điểm quặng sắt nhìn chung có quy mô nhỏ, thành phần quặng chủ yếu là limonit, gơthit, hàm lượng sắt không cao, nên chủ yếu chỉ có thể sử dụng làm phụ gia xi măng và chất độn công nghiệp, số ít có thể luyện sắt. Hiện đã biết 10 điểm quặng sắt phân bố trên địa hình đồi, núi thấp ở các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ. Theo thông tin hiện có, chất lượng quặng sắt ở các điểm Hoà Mỹ, Đá Đen, Tuấn Lương, Phú Xuyên có thể có những nơi đạt tiêu chuẩn luyện sắt, còn các điểm quặng còn lại chủ yếu có thành phần là limonit, gothit.

Quặng titan là tập hợp tự nhiên các khoáng vật của titan (ilmenit, rutil, leucoxen, anataz) và zirconi (zircon), là nguyên liệu chính để sản xuất kim loại và các hợp chất của titan và zircon. Hợp kim titan nhẹ, chống ăn mòn tốt, khả năng chịu đựng nhiệt độ rất cao, nên được dùng trong công nghiệp hàng không, trong chế tạo xe bọc thép, tàu hải quân, tàu vũ trụ, tên lửa và nhiều ngành công nghiệp dân dụng khác. Zircon nghiền mịn tẩy trắng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp sứ, thủy tinh, chịu lửa. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, quặng titan – zircon phân bố dưới dạng các sa khoáng kéo dài dọc ven biển từ huyện Phong Điền – Quảng Điền – Hương Trà – Phú Vang – Phú Lộc. Theo tài liệu địa chất – khoáng sản đến nay trong vùng có 2 mỏ (Quảng Ngạn, Kế Sung – Vinh Mỹ) và 4 điểm quặng (Quảng Lợi, Phú Xuân, Vinh Phú và Lộc Tiến – Lộc Vĩnh).

Quặng chì kẽm trên địa bàn Thừa Thiên Huế ít có triển vọng. Hiện chỉ mới phát hiện được 2 vị trí có quặng nghèo ở Sông Bồ và Khe Thai. Tại Sông Bồ (thôn La Bằng, xã Bình Điền, huyện Hương Trà), phát hiện 2 mạch quặng dày 0,3m, chiều dài quan sát được 7m. Thành phần khoáng vật: galenit: 2%, sphalerit: 1%. Kết quả hoá: Pb: 1,2%; Zn: 0,048%; Fe: 5,78%. Tại Khe Thai biểu hiện quặng nhỏ, nghèo.

Thiếc là kim loại được biết từ thời cổ đại, được sử dụng rộng rãi để bảo vệ kim loại (sắt tây), làm tụ điện, thiếc hàn, chế tạo các hợp kim dễ nóng chảy, đồng thau, hợp kim chữ in, giấy thiếc. Khoáng vật chủ yếu của Sn là caxiterit (SnO2). Ở nước ta, thiếc có nhiều ở Tĩnh Túc (Cao Bằng), Tuyên Quang, Đại Từ (Thái Nguyên), Quỳ Hợp (Nghệ An), Lâm Đồng.

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, đến nay đã biết một điểm quặng thiếc gốc (Khe Thương) và 2 điểm quặng sa khoáng (khe Ly, khe Thương). Nhìn chung quy mô các điểm quặng thiếc không lớn, hầu hết mới nghiên cứu ở giai đoạn phát hiện, một số điểm tìm kiếm đánh giá. Tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo thiếc sa khoáng là 97 tấn.

Wolfram là kim loại chịu nhiệt tốt và có nhiệt độ nóng chảy rất cao (3.200oC), được sử dụng chủ yếu để làm sợi tóc bóng đèn điện và các chi tiết chịu nhiệt trong chế tạo máy. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế mới phát hiện một điểm quặng gốc phân bố ở phía đông bắc xã Hồng Vân, huyện A Lưới 6,5km. Điểm quặng gồm một đới chứa quặng dày 5m, kéo dài 30m, hàm lượng W: 0,03 ÷ 0,16%; Sn: 0,003%. Điểm quặng chưa rõ quy mô triển vọng.

Trên diện tích Thừa Thiên Huế đã ghi nhận được 2 mỏ và 10 điểm quặng vàng, trong đó có 4 điểm là vàng sa khoáng. Vàng gốc trong vùng chủ yếu thuộc kiểu mỏ vàng – thạch anh hoặc vàng – thạch anh – sulfur dạng mạch hoặc đới mạch thạch anh chứa vàng.

Thừa Thiên Huế là tỉnh có điều kiện địa lý tự nhiên khá phức tạp. Sự phong phú và đa dạng về cấu trúc địa chất đã tạo nên sự giàu có về khoáng sản đặt biệt là khoáng sản kim loại như vàng, titan, chì kẽm.

Bùi Thắng







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM