Phục hồi và cải tiến qui trình nhuộm sợi dệt Zèng

  • Husta.org
  • 13-08-2018
  • 632 lượt đọc
Giải thưởng sáng tạo KHCN

Tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XI, năm 2018, nhóm tác giả: Phạm Thu Hòa và Mai Thị Thanh Vân, học sinh trường THPT Hương Lâm, huyện A Lưới với đề tài “Phục hồi và cải tiến qui trình nhuộm sợi dệt Zèng”.

Với các nguyên liệu từ núi rừng, bà con đã tạo ra các thuốc nhuộm với các sắc màu như: xanh, đen, vàng, đỏ…

Các em cho biết: từ xa xưa, các đồng bào dân tộc vùng cao huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế đã biết sử dụng các loại thảo mộc để nhuộm màu cho trang phục của mình qua nghề dệt zèng truyền thống. Đây là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi. Với các nguyên liệu từ núi rừng, bà con đã tạo ra các thuốc nhuộm với các sắc màu như: xanh, đen, vàng, đỏ… Từ đó đã tạo ra các sản phẩm dệt zèng độc đáo. Tuy nhiên với cách làm truyền thống của bà con, quá trình để tạo ra sợi dệt với các màu sắc khác nhau đòi hỏi phải mất rất nhiều công sức và thời gian, do đó hiện nay bà con thường mua các loại sợi nhuộm màu tổng hợp có bán trên thị trường về để sử dụng. Việc làm này tuy giảm bớt vất vả trong quá trình chuẩn bị vật liệu dệt zèng nhưng phần nào đó làm mất đi giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc. Thực trạng là hiện nay chỉ còn một số ít người dân tộc cao tuổi biết nguồn nguyên liệu tự nhiên nhưng chỉ còn nhớ mang máng cách tạo màu và cách nhuộm.

Qua quá trình tham khảo cách làm của bà con dân tộc Tà Ôi ở xã A Đớt và A Roàng trong kĩ thuật dệt sợi truyền thống với các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, nhóm nghiên cứu tìm ra một số giải pháp tái hiện quá trình nhuộm sợi trước đây, đồng thời cải tiến kĩ thuật tạo màu và nhuộm để tiết kiệm thời gian nhuộm sợi mà vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc nhằm phục hồi một di sản văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao A Lưới.

Qua quá trình thực hiện nhuộm sợi với nguyên liệu thảo mộc tự nhiên của núi rừng, nhóm tác giả nhận thấy thời gian nhuộm giảm xuống rất nhiều. Màu tạo thành đẹp hơn so với màu nhuộm theo cách truyền thống. Việc sử dụng một số hóa chất trong phòng thí nghiệm giúp giảm bớt việc tìm kiếm và sử dụng các nguyên liệu phụ khác trong tự nhiên.

Thông qua công trình nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phục hồi lại được kĩ thuật nhuộm sợi truyền thống của bà con dân tộc dựa vào nguồn nguyên liệu sẵn có của núi rừng, vừa thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe vừa bảo tồn được nét văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao A Lưới.

Việc sử dụng một số chất phụ gia, hóa chất thông dụng giúp cải tiến được chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được thời gian nhưng đồng thời không làm mất đi nét độc đáo của một di sản văn hóa!

Đó chính là những điểm nổi bật được Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2018 đánh giá cao.

Giải Pháp







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM