Ca bệnh 867 (BN867) và giải pháp nào để ngăn chặn nguồn lây tại cộng đồng

  • PGS TS Trần Đình Bình
  • 13-08-2020
  • 132 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Ngày 12 tháng 8 năm 2020, Bộ Y tế đã công bố thêm 14 bệnh nhân COVID-19 mới, trong đó có bệnh nhân 867 là Nam, 63 tuổi; ở Bình Giang, Hải Dương. Ngày 31/7/2020, bệnh nhân có ho, mệt mỏi. Ngày 8/8, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện 108, sau đó về nhà con gái tại Thanh Trì, Hà Nội. Ngày 9/8 khám và nhập Bệnh viện Thanh Nhàn với chẩn đoán viêm phổi nặng, một ngày sau, được lấy mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, kết quả lần 1 âm tính. Ngày 11/8 lấy mẫu lần 2, kết quả xét nghiệm Bệnh viện Thanh Nhàn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội đều dương tính với SARS-CoV-2.

     Bệnh nhân này có lịch sử dịch tễ khá phức tạp, trong đó lịch trình di chuyển có tới Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện 108 và huyện Thanh Trì trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên hiện chưa tìm được nguồn lây bệnh cho bệnh nhân.

     Với lịch trình dài ngày, khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế cả phòng khám tư nhân và bệnh viện, như vậy việc kiểm soát những bệnh nhân như thế này có giải pháp nào không?

     1. Tại cộng đồng và nơi làm việc

     Theo hướng dẫn và chỉ đạo của ngành y tế, thực hiện tốt tất cả những biện pháp ngăn chặn lây lan tại cộng đồng như vệ sinh tay, sử dụng nước khử khuẩn tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, vệ sinh môi trường, vật dụng bằng dung dịch khử khuẩn, tránh tiếp xúc và sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã…được áp dụng triệt để, tự giác đối với tất cả mọi người.

     2. Tại các cơ sở khám chữa bệnh

     Tuân thủ hoàn toàn việc phân luồng, sàng lọc, khám, cách ly và điều trị tại bệnh viện theo hướng dẫn của ngành y tế. Tại Thừa Thiên Huế, tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 2217/HD-SYT ngày 10/8/2020 của Sở Y tế về việc Hướng dẫn cách ly y tế và xử lý dịch bệnh COVID-19 trích lược từ Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 07/8/2020 của Bộ Y tế về Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19, và mới nhất là thực hiện công văn số 2235/SYT-NVY ngày 12 tháng 8 năm 2020 của Sở Y tế để mở rộng đối tượng xét nghiệm PCR chẩn đoán COVID-19 đối với các đối tượng cách ly tại nhà, các đối tượng đến khám và chữa bệnh tại cơ sở y tế thì về cơ bản sẽ giám sát chắc chắn nguồn lây, tránh được nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng và bệnh viện.

      Tuy nhiên, với những giải pháp trên thì nhiều người bệnh có triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp khi tới khám tại các cơ sở y tế không khai báo đầy đủ yếu tố dịch tễ, khai báo không đúng, chưa có các triệu chứng hô hấp, ngay cả khi có xét nghiệm kháng thể bằng test nhanh âm tính thì cũng dễ lọt qua hệ thống phân luồng, sàng lọc của bệnh viện và gây nguy cơ lớn cho bệnh viện nếu họ mắc COVID-19. Vì vậy, cần tìm giải pháp cho những trường hợp tương tự như sau:

     – Yêu cầu tất cả những người có có ít nhất một trong các triệu chứng của ca bệnh Viêm đường hô hấp cấp (Sốt; Ho; Đau họng; Khó thở; Mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; Giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; Viêm phổi…) có hoặc không có yếu tố dịch tễ liên quan COVID-19 tại các địa phương không đi khám bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào (cả phòng khám tư nhân, trạm y tế xã phường và bệnh viện). Những bệnh nhân này chủ động liên hệ hoặc người nhà liên hệ với trạm y tế xã, phường, nhân viên y tế thôn, bản để được hỗ trợ.

     – Trạm y tế xã, phường hay nhân viên y tế thôn bản có nhiệm vụ đến tận hộ gia đình người bệnh để thăm khám, khai báo y tế, tư vấn, chỉ định điều trị hoặc giới thiệu lên cơ sở y tế tuyến trên. Nhân viên y tế xã, phường, thôn, bản đã được trang bị đủ kiến thức cơ bản về COVID-19, được trang bị phòng hộ cá nhân phù hợp sẽ yêu cầu tuyến trên đến lấy mẫu xét nghiệm để chuyển đến cơ sở xét nghiệm, còn bệnh nhân được tư vấn tự cách ly cho đến khi mẫu xét nghiệm âm tính 2-3 lần. Việc bệnh nhân nhóm này được chăm sóc và tư vấn tại nhà sẽ giảm tối đa nguy cơ họ đến khám tại các cơ sở y tế khác nhau như bệnh nhân 867 ở trên.

     Mỗi xã, phường, thôn, bản với khoảng 1000 hộ dân, nếu số có các triệu chứng viêm nhiễm hô hấp khoảng 1% thì hàng ngày chỉ có 4-5 người cần khám và tư vấn. Như vậy các hoạt động khám, lấy mẫu, tư vấn, chăm sóc đều tại nhà nên đội ngũ nhân viên y tế địa bàn có thể đáp ứng. Có như vậy, việc lây lan cộng đồng cũng được ngăn ngừa hiệu quả.

     Mỗi nhân viên y tế đều là những chiến sĩ tuyến đầu trong phòng chống đại dịch COVID-19, hãy để cho y tế cơ sở ngăn chặn ngay từ hộ gia đình, chăm sóc bệnh nhân tại nhà thì nguy cơ lây lan ra cồng đồng sẽ được ngăn chặn hiệu quả. Cùng với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, của ngành y tế và toàn thể cộng đồng, nếu phát huy được vai trò của y học gia đình và y tế cơ sở, chúng ta có niềm tin chắc chắn dịch bệnh COVID-19 sẽ được chặn đứng trên đất nước chúng ta.

PGS TS Trần Đình Bình           

Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM