Đặc điểm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Bùi Thắng
  • 25-09-2020
  • 734 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn Thừa Thiên Huế được xác định gồm: đá xây dựng có nguồn gốc đá trầm trích, đá magma; sét gạch ngói và cát cuội sỏi.

1. Đá xây dựng

          Đá xây dựng ở Thừa Thiên Huế rất phong phú; Đá xây dựng chủ yếu có nguồn gốc macma như granit, ít hơn là đá cát kết, quazit và đá vôi. Chủ yếu tập trung đá Granit xây dựng tại thị xã Hương Trà; Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới với trữ lượng rất lớn mới dự báo ở phần địa hình dương có hàng trăm triệu mét khối.

          – Các điểm mỏ thuộc khối granit Bến Tuần (thị xã Hương Trà): Khối granit Bến Tuần thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, có dạng đẳng thước, diện phân bố rộng khoảng 5km2, phía đông giáp sông Hương, phía nam giáp Bình Điền. Khối đã được điều tra sơ lược cho thấy khu vực Hương Thọ, tây Ga Lôi đá có độ hạt trung bình đến lớn, màu xám sẫm, đá có cường độ chịu nén cao 1660 ÷ 1776 kg/cm2; dung trọng 2,6 kg/cm3, tỷ trọng 2,67 T/m3, đạt tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng các công trình kiên cố. Hiện tại nhiều nơi trong khối đang được khai thác làm vật liệu xây dựng như ở Khe Ly, Hải Cát, Hương Thọ, Khe Phèn, Ga Lôi…  Tài nguyên dự báo đá xây dựng hàng trăm triệu m3.

          – Các điểm mỏ thuộc khối granit Khe Băng: Khối granit Khe Băng có diện tích khoảng 10 km2, nằm phía nam Tứ Hạ 5km và phía tây Huế 10km. Đá thuộc loại granit sáng màu, hạt trung bình, nhiều nơi đá cứng chắc đạt tiêu chuẩn làm đá xây dựng. Hiện tại, trong khối đã có các điểm khai thác làm vật liệu xây dựng ở Khe Băng, Thông Cùng, Khe Đáy, mỏ đá Hương Bình…. Tài nguyên dự báo đá xây dựng của khối hàng chục triệu m3.

          – Các điểm mỏ thuộc khối granit Hải Vân (Phú Lộc): Khối granit Hải Vân phân bố từ huyện Phú Lộc, kéo dài qua đèo Hải Vân tới Đà Nẵng, diện tích khoảng 100 km2, trong đó khoảng 35km2 nằm trong quy hoạch cụm du lịch Bạch Mã. Đá thuộc loại granit sáng màu, hạt trung bình. Nhiều nơi đá phong hoá yếu, có thể khai thác làm đá xây dựng, trong đó một số nơi đá có độ nguyên khối tốt, màu sắc đẹp, có khả năng cưa cắt, gia công thành đá ốp lát hạng trung bình. Hiện tại, trong khối đã có các điểm khai thác làm vật liệu xây dựng ở xã Lộc Hòa, Lộc Điền, Lộc Tiến. Tài nguyên dự báo đá xây dựng của khối hàng trăm triệu m3, đá ốp lát khoảng 5 triệu m3.

          – Các điểm mỏ đá xây dựng ở khu vực huyện Nam Đông: Tại khu vực Nam Đông có điểm đá xây dựng Thác Trượt (Hương Phú) thuộc rìa khối granit Hải Vân có tài nguyên lớn, chất lượng tốt, nhưng do địa hình phức tạp, chiều dày đất phủ lớn, giao thông đi lại khó khăn do đó việc đầu tư khai thác ít hiệu quả kinh tế. Ngoài ra có khối núi đá granit Trà Nghe, gabro Re Giàng (xã Hương Hữu, Hương Giang) và một số thấu kính đá vôi bị dolomit hoá ở Thượng Quảng có thể khai thác làm vật liệu xây dựng.

2. Sét gạch ngói

          Sét gạch ngói trên địa bàn Thừa Thiên Huế rất phổ biến. Hiện đã biết hơn 15 điểm mỏ quy mô khác nhau, phân bố hầu hết trên địa bàn các huyện trong tỉnh. Sét chủ yếu có nguồn gốc tái trầm tích, màu xám vàng, chất lượng đạt tiêu chuẩn làm sét gạch ngói, số ít có thể sản xuất ngói màu, gạch ốp trang trí. Các điểm mỏ đặc trưng gồm:

          – Mỏ sét gạch ngói Long Thọ: Mỏ sét thuộc phường Thuỷ Biều, thành phố Huế. Thân sét có nguồn gốc trầm tích, phân bố trên diện tích khoảng 2 km2. Sét màu vàng nhạt, nâu nhạt, xám trắng. Thành phần hoá học (%) trung bình Al2O3: 17; SiO2: 67,3; Fe2O3: 3,94; độ dẻo 10 ÷ 25%. Thành phần độ hạt sét > 0,25mm: 10%; < 0,05: 70 ÷ 80%, chỉ tiêu kỹ thuật: cường độ kháng ép sau khi nung 100kg/cm3, độ hút nước 12%; nhiệt độ nung thích hợp 950 ÷ 1050oC, cường độ kháng uốn 153 kg/cm2; Tài nguyên dự báo đạt 2,9 triệu m3.

          – Mỏ sét gạch ngói Phú Bài: Mỏ sét thuộc thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, là một phần của mỏ sét gốm Phú Bài. Sét nằm dưới một lớp cát mỏng 1÷ 3,0m, gồm 2 thân sét dài 800 – 1200m, rộng 200 ÷ 400m, dày 1-3m. Thành phần hoá học (%): Al2O3: 13,36 ÷ 17,6; SiO2: 65,1 ÷ 71,2; độ dẻo từ 18 ÷ 24%. Các chỉ tiêu kỹ thuật: cường độ kháng ép 111 ÷ 283kg/cm2, cường độ kháng uốn 50 ÷ 397kg/cm2, nhiệt độ nung thích hợp 900 ÷ 1050oC, cỡ hạt > 0,25mm: 1 ÷ 3%;  0,25 ÷ 0,05mm: 6 ÷ 21%; < 0,05mm: 60 ÷ 90%. Trữ lượng cấp C2: 700 ngàn m3.

          – Sét gạch ngói Thuỷ An:  Mỏ sét thuộc xã Thuỷ An, huyện Phú Vang. Thân sét có chiều dài 2km, chiều rộng 1,5km, chiều dày 1,2m. Sét màu xám vàng, xám trắng, mịn, dẻo; thành phần hoá học (%): SiO2: 68,66; Al2O3: 15,5; Fe2O3: 2,0; MgO: 0,75; CaO: 0,56; mất khi nung: 5,65; độ dẻo 14%. Các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt yêu cầu sản xuất gạch ngói. Tài nguyên dự báo cấp P2: 2.400,0 ngàn m3.

          – Sét gạch ngói Hương Hồ:  Mỏ sét thuộc xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Điểm sét gồm một dải có chiều dài 800 – 1.600m, rộng 800m, dày 1 ÷ 8m, chiều dày lớp phủ 1 ÷ 1,5m. Sét màu xám vàng, xám nâu; cỡ hạt > 0,25mm; 0,8 ÷ 2%; 0,25 ÷ 0,05mm: 8 ÷ 23%; < 0,05mm: 76 ÷ 92%; chỉ số dẻo 10 ÷ 16,4%, cường độ kháng ép 102 kg/cm2, cường độ kháng uốn 86kg/cm2, nhiệt độ nung thích hợp 950 ÷ 1050oC. Trữ lượng cấp C2 = 2.318 ngàn m3.

3. Cát cuội sỏi

          Cát, cuội, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phân bố nhiều nơi dọc theo các sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương, sông Tả Trạch, Hữu Trạch, sông Truồi, sông A Sáp và các sông nhánh khác. Cát, sỏi phân bố ở 2 dạng: dạng thứ nhất tạo thành các bãi bồi ven 2 bờ của đoạn trung – hạ lưu của các sông; dạng thứ 2 phân bố ở lòng (dưới mực nước sông).







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM