Đặc điểm về khoáng sản nguyên liệu xi măng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Bùi Thắng
  • 11-09-2020
  • 163 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế các loại khoáng sản rất đa dạng và phong phú đặc biệt là khoáng sản về nhiên liệu xi măng, trong đó đáng kể nhất là khoáng sản đá vôi xi măng và sét xi măng.

          1. Đá vôi xi măng

          Đá vôi là nguyên liệu chính để sản xuất xi măng, trong phạm vi tỉnh Thừa Thiên Huế đá vôi xi măng chỉ phát triển hạn chế thành một dải nhỏ từ Hòa Mỹ đến Phú Bài và vùng Ke Đe, Thượng Long, huyện Nam Đông. Hiện đã phát hiện đá vôi ở Hoà Mỹ (Phong Mỹ), Hiền An (Phong Sơn), huyện Phong Điền; Văn Xá (Hương Vân) huyện Hương Trà, Thượng Long, huyện Nam Đông và Long Thọ (Thuỷ Biều) thành phố Huế.

          – Đá vôi xi măng Hoà Mỹ: Đá vôi thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Đá vôi lộ rải rác thành các chỏm nhỏ kéo dài hơn 2km, rộng 50m và phần lớn bị phủ dưới lớp đất trồng. Đá vôi có màu xám, xám xanh đen có xen kẹp các thấu kính sét vôi. Thành phần hoá học (%) CaO: 46,27÷55,3; MgO: 0,65÷4,97; cặn không tan (CKT): 0,42 ÷ 9,63. Tài nguyên dự báo 506 triệu tấn, trong đó cấp C2 = 9,7 triệu tấn.

          – Đá vôi xi măng Thượng Long: Đá vôi thuộc xã Thượng Long huyện Nam Đông. Tại đây đã khoanh định được 17 thân khoáng đá vôi có chiều dài từ 400 – 1.000m, chiều dày từ 35 – 300m. Thành phần thân khoáng là các lớp đá vôi hạt nhỏ – vừa, màu xám xanh, xám trắng, cắm đơn nghiêng hoặc tạo các nếp uốn nhỏ với góc cắm 35 – 70o. Thành phần hoá học của thân khoáng gồm: CaO 49,6 – 52,97%, MgO: 0,52 – 2,04%. Tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo là 185 triệu tấn.

          – Đá vôi xi măng Văn Xá: Đá vôi phân bố ở xã Hương Văn, Hương Vân và các xã kế cận, thị xã Hương Trà. Đá vôi thuộc hệ tầng Phong Sơn, bị phủ hoàn toàn dưới trầm tích Đệ Tứ. Trữ lượng thăm dò được là 229,43 triệu tấn. Ngoài ra trong tỉnh Thừa Thiên Huế còn có điểm đá vôi Hiền An (xã Phong Sơn, Phong Điền).

          Tổng tài nguyên đá vôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã biết khoảng 1,2 – 1,3 tỷ tấn, thuộc loại không lớn.

          2. Sét xi măng

           Khác với đá vôi xi măng, đá sét xi măng ở tỉnh Thừa Thiên Huế có tiềm năng rất lớn gồm các mỏ sét xi măng ở Thọ Sơn, Long Thọ (hai khu vực này thuộc khu vực cấm không khai thác được), Đồng Lâm, Thượng Long và nhiều nơi khác có sét xi măng. Hầu hết chúng là sản phẩm phong hoá từ đá phiến sét, sét vôi.

          – Sét xi măng Long Thọ: Mỏ sét thuộc xã Thuỷ Biều Thành phố Huế. Sét có nguồn gốc trầm tích. Thân sét dài 1200m, rộng trung bình 800m, chiều dày 1÷15m, trung bình 4m. Sét có màu vàng nhạt, nâu nhạt, đôi nơi xám trắng, mịn dẻo. Cỡ hạt sét ³ 0,25mm: 5,3%; 0,25 ÷ 0,045 mm: 18 %; < 0,05mm": 75%, chỉ số dẻo trung bình 16%. Thành phần hoá học (%) trung bình: SiO2: 59,94; Al2O3: 19,64; MgO: 1,7; modun silicat: 2,69. Trữ lượng  thăm dò được 1,06 triệu tấn.

          – Mỏ sét xi măng Đồng Lâm: Mỏ sét thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, cách Thành phố Huế 27 km về phía bắc. Thân sét kéo dài 2.000m, rộng 100m, phân bố trên các đồi thấp rìa đồng bằng. Sét có màu xám trắng, nâu nhạt, mịn, dẻo. Thành phần hoá học (%) trung bình: SiO2: 64,53; Al2O3: 18,56; Fe2O3: 2,2; MgO:1,2; Na2O: 0,8; K2O: 3,2; mất khi nung: 5,26; modun silicat 1,8 ÷ 3,2; modun alumin 2,1 ÷ 2,9. Trữ lượng  6.302.800 tấn.

          – Điểm sét xi măng Thượng Long: Mỏ sét thuộc xã Thượng Long, huyện Nam Đông. Tại đây đã khoanh định được 1 thân khoáng đá phiến sét có chiều dài 700, chiều rộng 200 – 300m, chiều dày 15m, được thành tạo do quá trình phong hoá các đá phiến sét hệ tầng Tân Lâm. Đá phiến sét có modun silicate từ 1,7 – 3,5; modun oxit nhôm từ 1,0 – 3,0, đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Tài nguyên dự báo là 8,46 triệu tấn.







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM