Mô hình trồng cỏ và nuôi bò thâm canh – Hướng đi mới hiệu quả trong chăn nuôi cần áp dụng

  • Đinh Văn Chung
  • 03-10-2016
  • 597 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Với truyền thống lâu đời chăn nuôi bò theo phương pháp chăn dắt, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp hoặc nguồn thức ăn có sẵn như cỏ tự nhiên … Nhưng những năm gần đây, phương pháp truyền thống này không còn hiệu quả bởi nhiều lý do: khí hậu ngày càng khắc nghiệt làm mùa khô kéo dài gây hạn hán nghiêm trọng, mùa đông lạnh nhiệt độ xuống thấp hơn và diện tích chăn thả tự nhiên ngày càng bị thu hẹp bởi nhiều nguyên nhân… Trước tình hình này, vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngày càng nâng cao chất lượng và số lượng đàn bò?

Khi ý tưởng của nhà khoa học và nhu cầu nhà nông gặp nhau

Vào một ngày tháng 9, chúng tôi về thăm thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu về mô hình của Câu lạc bộ chăn nuôi bò thâm canh mới thấy được tin tưởng, phấn khởi của bà con nơi đây đối với hiệu quả của đề tài nghiên cứu Giải pháp kinh tế – kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung bộ đang được triển khai, ứng dụng tại địa phương.

 

Thăm đồng cỏ

CLB chăn nuôi bò thâm canh thôn Bắc Bình được thành lập vào tháng 11/2012. Đây là điểm hẹn để nông dân địa phương chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Bên cạnh đó, CLB còn làm nhiệm vụ đầu mối liên kết giữa hội viên với nhà khoa học, doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Có lẽ nhờ tầm quan trọng ấy mà CLB chăn nuôi bò thâm canh thôn Bắc Bình thu hút ngày càng đông hội viên. Họ tiên phong trong việc chuyển đổi đất hoa màu sang trồng cỏ, nuôi bò tập trung theo hướng thâm canh.

Cũng như các địa phương khác, chăn nuôi bò vốn là công việc không mấy xa lạ đối với người dân xã Cam Tuyền nói chung và thôn Bắc Bình nói riêng. Tuy nhiên, người dân địa phương quen với phương thức chăn thả tự nhiên hơn là nuôi nhốt. Vì vậy, việc theo dõi, kiểm tra tình hình đàn gia súc khá khó khăn. Có thời điểm, một số hộ dân trên địa bàn phải ngửa mặt lên trời mà than khi chứng kiến trâu bò chết hàng loạt vì dịch bệnh. Mặt khác, do lượng thức ăn tự nhiên hạn chế nên đàn bò ở thôn Bắc Bình rất còi cọc. Một số hộ dân bắt đầu nản chí khi thấy công sức, tiền bạc bỏ ra để nuôi bò nhiều mà lợi nhuận chẳng đáng bao nhiêu.

Trong khi người dân thôn Bắc Bình đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế mới thì cuối năm 2012, Trường Đại học Nông lâm Huế đã phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị và chính quyền xã Cam Tuyền triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi bò theo hướng thâm canh tại địa phương. Sau khi tiến hành khảo sát, các nhà nghiên cứu quyết định trồng một số loại cỏ cao sản phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng như: TD06, TD85, Mulato II… Đây là các giống cỏ có hàm lượng dinh dưỡng, năng suất. Theo tính toán, trung bình một sào cỏ sẽ cung cấp đủ thức ăn cho một con bò nuôi nhốt. Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ và chăn nuôi, Trường Đại học Nông lâm Huế còn hỗ trợ người dân giống cỏ, máy cắt cỏ, thức ăn tinh… Để mô hình nhanh chóng đi vào thực tiễn, các cán bộ tâm huyết còn vận động thành lập CLB chăn nuôi bò thâm canh cho bà con thôn Bắc Bình.

Được sự tiếp sức, người dân thôn Bắc Bình đã tập trung trồng cỏ nuôi bò ở vùng đất trước đây trồng hoa màu ven sông Hiếu. So với ngày đầu, đến nay, diện tích đất trồng cỏ tăng gấp năm lần. Người dân cũng mạnh dạn hơn trong việc mua con giống, đầu tư xây dựng chuồng trại. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp khoa học- kỹ thuật, bò nuôi sinh trưởng, phát triển nhanh, ít bị bệnh tật… Có thời điểm, đàn bò của thôn đã lên đến hơn 300 con, trong đó bò lai chiếm khoảng 70%. Và chính nhờ chăn nuôi bò thâm canh mà cuộc sống nhiều gia đình đã trở nên khấm khá hơn: cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, xây nhà kiên cố, khang trang, mua sắm vật dụng gia đình đắt tiền… đó là tâm sự của một lão nông tri điền nơi đây.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Bả – Trưởng khoa chăn nuôi, trường Đại học Nông lâm Huế giới thiệu mô hình trồng cỏ nuôi bò tại thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cần được nhân rộng

Trăn trở trước nhu cầu trồng cây gì? Nuôi con gì? cho vùng đất A Lưới của một vị lãnh đạo tỉnh trong cuộc giao ban tại huyện A Lưới.

Câu hỏi đó cứ thường trực mãi trong tâm trí của GS. TS. Trần Hữu Dàng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua tìm hiểu, GS. Dàng được biết đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của PGS. TS. Nguyễn Tiến Vỡn và các đồng nghiệp tại Khoa Chăn nuôi Thú y là Giải pháp kinh tế – kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung bộđã nghiên cứu thành công và đang được triển khai có hiệu quả tại một địa phương tỉnh Quảng Trị.

Toàn cảnh Hội thảo

Như bắt gặp được người bạn đồng hành cùng chí hướng và kết quả là một cuộc Hội thảo “Chuyển giao kỹ thuật nuôi bò cho vùng gò đồi Thừa Thiên Huế” đã được tổ chức với mục đích nhằm giới thiệu kết quả nghiên cứu và ứng dụng của đề tài Giải pháp kinh tế – kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung bộ tại tỉnh Quảng Trị và các giải pháp để chuyển giao, ứng dụng kết quả của đề tài phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế và đặc biệt, những nhà quản lý, các chuyên gia nông nghiệp, các chủ trang trại và bà con nông dân đang chăn nuôi bò đã được tham quan mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu đề tài Giải pháp kinh tế – kỹ thuật để phát triển chăn nuôi bò đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới ở vùng gò đồi Bắc Trung bộ vào thực tế tại Thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Cũng chính tại đây, bao nhiêu kinh nghiệm tâm huyết, bao ấp ủ cho tương lai cho con bò cũng được chia sẻ, giải bày.

Trong tương lai, mỗi người chúng ta hôm nay tham gia hội thảo đều mong muốn mô hình trồng cỏ để chăn nuôi bò thâm canh được áp dụng và nhân rộng trên vùng gò đồi Thừa Thiên Huế, đời sống của bà con nông dân ngày càng khấm khá hơn, đẩy mạnh chương trình triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020.

Quỳnh Anh







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM