Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên biển

  • Bùi Thắng
  • 21-05-2021
  • 119 lượt đọc
Kết quả nghiên cứu

Tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 128 km chiều dài bờ biển tiếp cận với ngư trường biển Đông, có tiềm năng to lớn về hải sản, có hơn 500 loài cá trong đó 30 – 40 loài có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá chim, cá thu và các loại hải sản khác, năng suất khai thác hợp lý là 40.000 – 50.000 tấn/năm.

     Thừa Thiên Huế còn có hơn 20 km vùng núi đá ven biển từ cửa Lăng Cô đến đảo Sơn Chà là vùng biển đa dạng sinh học khu vực có nhiều thủy sản có giá trị cao như tôm hùm, cá mú… là nơi có nguồn tôm, cá bố mẹ cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống và rất thuận lợi cho việc bảo tồn phát triển nuôi các đối tượng thủy sản quý như tôm hùm, ngọc trai.

     Vùng ven bờ Thừa Thiên Huế có đầm phá Tam Giang – Cầu Hai kéo dài từ gần ranh giới với tỉnh Quảng Trị đến vịnh Chân Mây, chiều dài hơn 70 km, diện tích 22.000 ha; đây là vùng đầm phá có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á có tầm quan trọng khu vực và quốc tế, giữ vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nhất là đối với các ngành du lịch, nông nghiệp và thủy sản, có ý nghĩa lớn trong việc duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời là vùng xung yếu về môi trường, nhạy cảm về sinh thái, cần đặc biệt quan tâm.

     Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có 2 cửa, Thuận An và Tư Hiền, là yếu tố quyết định của hệ thống đầm phá trong quá trình phát triển. Hình thái động lực của hai cửa thường xuyên thay đổi phức tạp. Cửa Thuận An dài khoảng 600 m, rộng 350 m, sâu tới 11 m ở phía trong. Cửa Tư Hiền là cửa phụ dài khoảng 100m, rộng 5 m, độ sâu thường không quá 1,5 m. Cơn lũ lịch sử tháng 11/1999 đã mở ra cửa biển mới Hòa Duân, cách cửa Thuận An khoảng 1km. Hiện nay, cửa biển này đã được lấp lại để khôi phục thông tuyến Quốc lộ 49B.

     Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lưu giữ một nguồn gen khá phong phú gồm hơn 600 loài, trong đó có 43 loài rong có thể dùng cho công nghiệp sản xuất làm phân bón, 12 loài tôm, 18 loài cua và nhiều loài thân mềm có giá trị khác. Nhiều loài tôm có giá trị thực phẩm cao như: tôm sú, tôm lớt, tôm rằn, tôm rảo, trìa, vẹm xanh, ngao…. Hơn 200 loài cá trong đó có đến 23 loài có giá trị thương phẩm cao như cá dầy, cá đối mục, cá dìa, cá mòi cờ chấm, cá sạo chấm, cá dù bạc, cá nâu…

     Đặc trưng địa hình ven biển Thừa Thiên Huế có dạng dải cồn, đụn cát xen giữa đồng bằng duyên hải bên trong và biển Đông ở bên ngoài. Dải cồn, đụn cát kéo dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam từ Điền Hương cho đến chân đèo Hải Vân, đây được xem như tuyến đê biển trực tiếp dọc các xã ven biển. Với diện tích khoảng 4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, dải cồn đụn cát là vùng có các hoạt động kinh tế xã hội đang phát triển mạnh, đặc biệt là du lịch, thương mại, khai thác khoáng sản,…

     Thừa Thiên Huế có nhiều bãi biển đẹp và cảnh quan thiên nhiên độc đáo như: Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương, Vinh Thanh, Điền Lộc, Quảng Ngạn,… thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Những năm qua hiện tượng thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn đang là một thách thức lớn đối với tài nguyên biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt là hệ sinh thái, đa dạng sinh học vùng ven biển của tỉnh, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống xã hội của người dân vùng ven biển của tỉnh.

     Đối với hệ sinh thái, biến đổi khí hậu làm suy giảm hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ven biển, làm suy giảm thành phần loài, sản lượng thủy hải sản. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu đặc biệt các hiện tượng mưa bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tính mùa vụ, cụ thể hoạt động đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ ngư nghiệp, nông nghiệp vùng ven biển., tác động rất lớn đến sinh kế của người dân vùng ven biển.







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM