Tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học ở hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Đinh Văn Chung
  • 19-09-2019
  • 1398 lượt đọc

Như chúng ta đã biết hầu hết các con sông của tỉnh Thừa Thiên Huế đều hoà vào gần 22.000 ha mặt nước đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, rồi mới chảy ra biển. Đặc điểm đó tạo cho khu vực đầm phá có tính chất của một hệ sinh thái đặc biệt, có giá trị nhiều mặt và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các giá trị của đầm phá đã được thừa nhận là các giá trị về đa dạng sinh học (cả đa dạng sinh cư, đa dạng sinh thái lẫn đa dạng nguồn gen), giá trị về nguồn lợi thuỷ sinh nói chung và nguồn lợi thuỷ sản, là nguồn nuôi sống cho 1/3 dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá khứ, hiện tại và cho cả tương lai.

Nguồn lợi thuỷ sinh vùng đầm phá có giá trị kinh tế cho khai thác tự nhiên, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến, trong đó có 4 nhóm cơ bản là rong cỏ, tôm cua, thân mềm và cá. Trong số rong cỏ, có loại rong biển Caloglossa ogasawaraensis có thể sử dụng làm thuốc giun và loài rong câu mảnh Gracilaria tenuidpitata là nguyên liệu sản xuất agar – agar dùng trong y học và các ngành công nghiệp. Hiện nay diện tích trồng rong câu toàn tỉnh đạt 337 ha với sản lượng 88 tấn/năm, nhiều loại rong biển, cỏ nước như rong mái cheo, rong tử với các chi Rupia, Cladophora, Enteromoplia, Cymodocea thường được dùng để làm phân bón, thức ăn gia súc. Sinh lượng của chúng có thể đạt từ 0,2 đến 2,5 kg/m2 và mỗi vụ có thể khai thác đến 150.000 tấn. Đây là tài nguyên sinh vật rất đặc thù cho phá Tam Giang – Cầu Hai.

Trong hệ đầm phá ở Thừa Thiện Huế đã phát hiện 12 loài tôm, 18 loài cua có giá trị thực phẩm, giá trị kinh tế cao. Đó là các loài tôm sú (Penau monodon), tôm lớt (Penau merguensis), tôm rảo (Penau enaeusensis)…., cua biển (Scylla seratta). Tôm và cua được khai thác tự nhiên hoặc nuôi trong ao, lồng. Các loài thân mềm như trìa (Co rbicula sp.), ngao (Meretrix Meretrix), vẹm xanh (Mytulus viridis) cũng là những đối tượng khai thác và nuôi trồng có giá trị. Trong số 230 loài cá được phát hiện ở khu vực đầm phá có 20 – 30 loài có giá trị kinh tế, chiếm khoảng 60 – 70% tổng sản lượng cá trong đầm. Trong đó đáng chú ý là cá dầy (Cyprinus centralis), cá đối mục (Mugilcephalus), cá dìa (Siganus), cá mòi cờ chấm (Chipannodon punctatus), cá căng (Therapon theraps), cá cơm (Anchoviella), cá sạo chấm (Pomadasy), cá dù bạc (Argyrosomus), cá bống thệ (Oxyurichthys tentacularis)..

Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thuỷ sinh rất nghiêm trọng, đến mức cạn kiệt, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi có dịp tiếp xúc với những người ngư dân ở vùng ven đầm phá và được họ cho biết sau hai mươi năm sản lượng đánh bắt một đêm của một hộ giảm đi khoảng 100 lần. Một trộ sao hoặc một miếng đáy ở đầm Cầu Hai thuộc khu vực xã Vinh Hưng vào những năm 1980 có thể thu được 60-70kg thậm chí có khi đến 100kg tôm, thì nay mỗi đêm chỉ thu được 3 lạng. Rõ ràng là bên cạnh những lợi thế của việc khai thác và chế biến thuỷ sản, áp lực của cuộc sống hàng ngày đã đẩy việc khai thác các nguồn lợi trên đầm phá quá mức phục hồi tự nhiên của nó. Số lượng các phương tiện đánh bắt, số lượng lao động tăng lên rất nhanh trong mấy năm trở lại đây, thế nhưng tổng sản lượng khai thác trên đầm phá lại hầu như không tăng, thậm chí còn giảm. Hơn nữa, những phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt như lưới mắt nhỏ, chất nổ, xung điện vẫn tiếp tục được sử dụng một cách công khai hoặc lén lút.

Hệ thống đầm phá là một trong bốn vùng tự nhiên cơ bản của tỉnh Thừa Thiện Huế, có nhiều giá trị cần được bảo tồn và phát huy. Giá trị đa dạng sinh học bao gồm cả đa dạng sinh cư và hệ sinh thái, đa dạng nguồn gien và đa dạng nguồn gốc khu hệ là một trong những giá trị nổi bật của nó. Đến nay, tại các khu vực nước thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, đã thống kê được 620 loài, thuộc 33 giống và 178 họ thuộc các nhóm động vật thực vật cơ bản, so với các hệ sinh thái cùng loại thuộc trong nước thì ở đây phong phú về giống loài hơn hẳn. Ngoài các loài động thực vật đặc thù cho đầm phá, đã ghi nhận sự tồn tại của 3 tràm chim nước tại cửa sông Ô Lâu, khu vực đầm Chuồn và khu vực Đuồi (Vinh Hà, Phú Vang) gồm 70 loài, trong đó 37 loài là chim di trú, số còn lại là các loài chim địa phương. Đây là một tiêu chí quan trọng để văn phòng công ước Ramsar công nhận hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Bảng. Đa dạng sinh học đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

TT

Nhóm thực vật

Số loài

%

Số giống

%

Số họ

%

1

Thực vật phù du

156

28,78

60

19,54

25

14,79

2

Động vật phù du

37

6,82

24

7,82

16

9,47

3

Rong biển

43

7,83

21

6,84

12

7,10

4

Thủy sinh bậc cao

15

2,77

12

3,91

8

4,73

5

Động vật đáy

37

6,82

36

11,72

27

15,98

6

Thực vật trên cạn

223

41,14

125

40,72

62

36,69

 

Tổng số

542

100

307

100

169

100

 

Bùi Thắng

 







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM