Các bệnh lây qua đường hô hấp thường gặp và biện pháp dự phòng

  • TS. Bs. Nguyễn Đức Hoàng
  • 13-02-2020
  • 308 lượt đọc
Phổ biến kiến thức KH&CN;

Vào thu, nhiệt độ thay đổi thất thường, nắng hanh khô ban ngày và se lạnh buổi tối kèm theo sương mù sáng sớm. Đây là thời điểm thuận lợi làm bộc phát các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, nhất là ở những người có hệ miễn dịch yếu, dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng. Bệnh lý sẽ bộc phát khi có 3 yếu tố tham gia là: mầm bệnh, số lượng mầm bệnh và sức đề kháng của cơ thể.

     Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp là do virus, vi khuẩn từ người bệnh theo đường không khí gây bệnh cho những người xung quanh, người lớn tuổi, trẻ em, đặc biệt người mắc các bệnh nền như: đái tháo đường, suy tim, suy thận, suy giảm sức đề kháng,… do sức đề kháng yếu khiến số lượng cũng như tần suất mắc bệnh hô hấp tăng cao.

     Sau đây, chúng tôi đề cập các bệnh thường gặp có thể lây qua đường hô hấp và biện pháp phòng tránh.

     Bệnh cảm cúm, virus

     Theo các chuyên gia, cúm thông thường lây lan qua những giọt chất dịch tiết ra (giọt bắn) khi người bệnh ho hoặc hắt hơi vào không khí. Những người nhiễm bệnh có thể là bố mẹ, anh chị, người trông trẻ,… có khả năng lây bệnh cho trẻ khi họ có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, mất cảm giác thèm ăn,…

     Bệnh tay chân miệng

     Triệu chứng của bệnh tay chân miệng là trẻ bị sốt nhẹ, mỏi mệt, kém ăn, đau họng,… sau đó xuất hiện những nốt ban màu hồng có đường kính khoảng 2mm, ở trong miệng và trên da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi cũng thấy ở mông và cẳng chân. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em, lây rất nhanh, dễ lan thành dịch. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm não dẫn tới tử vong.

     Bệnh thủy đậu

     Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi có tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên. Đây là một bệnh rất dễ lây truyền: khi người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi, hoặc ho,… thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài vào không khí. Nếu người khác hít phải thì sẽ lây bệnh ngay, nhất là trẻ em.Triệu chứng của thủy đậu là trẻ nhỏ thường sốt nhẹ, biếng ăn, nổi mụn nước ở vùng đầu mặt, tay chân và thân.

     Bệnh Sởi

     Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông – xuân. Bệnh sởi lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ,… và nếu không được phòng ngừa, bệnh có thể phát triển thành dịch.

     Lao phổi

     Lao phổi chiếm khoảng 80% trong tổng số bệnh lao. Bệnh gặp nhiều ở người lớn hoặc trẻ em từ 10 – 14 tuổi. Tác nhân gây bệnh:

     – Vi khuẩn lao người là nguyên nhân chủ yếu nhất, một số ít do vi khuẩn lao bò.

     – Yếu tố thuận lợi: Thường xuyên tiếp xúc với người bị bệnh lao phổi, người có sẵn bệnh HIV/AIDS, đái tháo đường, người nghiện rượu, người già, phụ nữ có thai, người thường xuyên căng thẳng tinh thần.

     – Yếu tố gen đóng một vai trò nhỏ trong nguyên nhân gây bệnh.

     – Dấu hiệu điển hình:

       + Điển hình bằng những cơn sốt nhẹ xảy ra vào buổi chiều tối.

       + Cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, hay ra mồ hôi vào ban đêm.

       + Ho nhiều, ho khạc đờm, ho ra máu.

       + Đau ngực, cảm giác khó thở khi bệnh đã nặng hơn.

     Biện pháp dự phòng

     – Môi trường xung quanh trẻ luôn tiềm ẩn các mầm bệnh nguy hiểm có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ bất cứ lúc nào. Để bảo vệ trẻ khỏi các virus, vi khuẩn gây bệnh thì cần giữ cho môi trường quanh trẻ luôn trong lành.

     – Tiêm vaccin phòng bệnh cho trẻ. Tiêm vaccin là biện pháp chủ động tạo miễn dịch cho người có khả năng bị lây nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh. Việc tiêm phòng phải được thực hiện khi người còn khỏe mạnh và theo lịch tiêm phòng chung. Chẳng hạn tiêm phòng lao, viêm gan B, tiêm phòng sởi lúc trẻ được 9 tháng tuổi,… Tỷ lệ người tiêm phòng càng cao thì số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn, càng có khả năng phòng chống bệnh.

     – Giữ vệ sinh cá nhân. Giữ vệ sinh cá nhân hàng ngày cần thực hiện rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật. Luôn luôn ngủ trong màn, tránh muỗi đốt. Giữ vệ sinh răng miệng. Tắm rửa thường xuyên phòng bệnh viêm nhiễm trên da. Rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang; ăn chín uống sôi; phòng tránh muỗi và côn trùng đốt là các biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại phòng bệnh hiệu quả với hầu như tất cả các bệnh truyền nhiễm.

     – Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phòng chống các bệnh lây qua đường tiêu hóa. Mọi người cần nghiêm chỉnh thực hiện ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi, nước đã được lọc hoặc xử lý vô khuẩn. Bảo quản thức ăn đã chế biến hợp vệ sinh. Chống ruồi nhặng đậu vào thức ăn. Không dùng chung các dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín.

     – Vệ sinh môi trường. Vệ sinh môi trường nhằm ngăn ngừa sự lây truyền của các bệnh lây qua đường tiêu hóa, qua vết đốt côn trùng. Cần loại bỏ chỗ sinh sản của muỗi truyền sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền khác. Cung cấp nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Cần thu gom và xử lý rác thải, xử lý các chất thải của người và động vật hợp vệ sinh.

     Diệt côn trùng, nuôi cá để diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, ruồi; loại bỏ các dụng cụ chứa nước và các vật thải rắn để hạn chế nơi sinh sản của muỗi,…







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM