Dinh dưỡng trong mùa Covid-19

  • TS.BS. Vũ Thị Bắc Hà
  • 27-04-2020
  • 240 lượt đọc
Phổ biến kiến thức KH&CN;

SARS-CoV-2 hay còn gọi là COVID-19 là một bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona 2019 gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố đây là một đại dịch toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại đã có hàng triệu người nhiễm nCoV và con số tử vong lên đến hơn 100 ngàn người. Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay, đòi hỏi mỗi người dân phải tự có biện pháp bảo vệ và phòng tránh bệnh tật cho bản thân và cộng đồng

      Bên cạnh những hướng dẫn phòng tránh dịch của Bộ Y tế như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc gần, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng,… thì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, bổ sung các chất tăng miễn dịch cũng giúp đẩy lùi, phòng tránh bệnh tật.

      Ba điểm quan trọng nhất về mặt dinh dưỡng trong mùa dịch CoVid-19 này là:

  • Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
  • Uống đủ nước
  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

      1. Thực hiện dinh dưỡng hợp lý

  • Nên ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm. Chế độ ăn cân đối, đủ nhu cầu năng lượng, đủ chất đạm (từ thực phẩm động vật như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa…và từ thực vật như đậu, đỗ các loại) vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể..
  • Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; Sắt; Kẽm; Selen, vì đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

      + Vitamin A và Beta-caroten: vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng lớn trong việc chống lại sự tấn công của virus gây bệnh.

      Các thực phẩm giàu vitamin A gồm: gan động vật, lòng đỏ trứng. Các loại củ quả có màu vàng/màu đỏ như cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, và các loại rau màu xanh đậm như rau ngót, rau cải ngọt, rau bí, rau susu, rau muống chứa nhiều Beta-caroten giúp tăng cường sức đề kháng tốt.

      + Vitamin C: giúp tăng cường hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon.  Đây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông…

      + Vitamin E: làm tăng đáng kể khả năng miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với các tác nhân gây bệnh. Trong cơ thể, vitamin E tham gia chuyển hóa của các tế bào, bảo vệ màng tế bào khỏi bị ôxy hóa. Thực phẩm giàu vitamin E chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.

      + Vitamin D: là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn chính của Vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống, do đó, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… cho bữa ăn hàng ngày.

      + Selen: tuy chỉ là một khoáng chất vi lượng nhưng lại là một chất chống oxy hóa mạnh. Ăn đủ lượng selen sẽ giúp cơ thể tăng cường khả năng chống nhiễm trùng. Các loại thực phẩm như nếp cẩm, gạo đỏ ở miền Trung, lúa mạch, cá, tôm, rong biển… là nguồn cung cấp selen quan trọng.

      + Sắt và Kẽm: Sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua, nhuyễn thể… là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Thịt động vật rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ.

  • Cần ăn đầy đủ chất béo (dầu, mỡ) để giúp cơ thể hấp thu tốt các vitamin tan trong chất béo mới góp phần tăng sức đề kháng được.
  • Tăng cường sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch. Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể. Các thực phẩm giàu flavonoid như: các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh…
  • Nếu khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên, có thể bổ sung bằng việc uống thêm các viên đa vi chất có chứa sắt, kẽm, selen, vitamin A, C, D, E…

      2. Uống nước đúng cách

  • Cơ thể hàng ngày cần khoảng 2 – 2,5 lít nước, trong đó 2/3 lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại do thực phẩm khác cung cấp. Nhu cầu cụ thể như sau:
Nhóm tuổi và cân nặng Nhu cầu nước/dịch (ml/kg/ngày)
Trẻ em 1 – 10 kg 100  ml/kg/ngày
Trẻ em 11 – 20 kg 1000 ml + 50 ml/kg cho mỗi 10kg cân nặng tăng thêm
Từ 21 kg trở lên 1500 ml + 20 ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng thêm
Vị thành niên (10 – 18 tuổi) 40 ml/kg/ngày
Người trưởng thành 35 ml/kg/ngày

 

      Không được để miệng và cổ họng khô. Uống chậm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát.  

  • Cần uống nước sạch, nước đã đun sôi, uống khi còn ấm
  • Không uống nước bị đun đi đun lại nhiều lần
  • Không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc. 
  • Hạn chế những đồ uống chứa cồn, trà, cà phê vì có tác dụng lợi tiểu nên làm tăng tốc độ mất nước qua thận.

      3. Đảm bảo an toàn thực phẩm                  

      3.1. Khi đi mua thực phẩm

  • Sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm
  • Không sử dụng thực phẩm bị ôi, hỏng
  • Tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ
  • Tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.

      3.2. Chế biến thực phẩm tại nhà

  • Sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm.
  • Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín.
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.
  • Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh.

      3.3. Ăn uống đảm bảo vệ sinh

  • Luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm
  • Không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống.
  • Trên bàn ăn, phải có thìa/muỗng/đũa để lấy thức ăn vào bát riêng, sau đó mới sử dụng thìa/muỗng/đũa cá nhân để thưởng thức món ăn của mình. 
  • Không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác.

      4. Chế độ dinh dưỡng cho một số đối tượng đặc biệt

       4.1. Người cao tuổi:

      Những người trên 60 tuổi thường có các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch huyết áp, rối loạn mỡ máu, gut…nên khi bị nhiễm nCoV sẽ dễ bị trầm trọng nặng nề hơn. Vì vậy, bên cạnh việc uống thuốc điều trị bệnh đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, họ cần phải ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, cá… Thực hiện đúng chế độ ăn theo bệnh lý và lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng từ 1-2 cốc (ly) mỗi ngày. Đặc biệt nên bổ sung thêm các sản phẩm có chứa thành phần sữa non Colostrum như Colomi để tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

      4.2. Trẻ em:

  •  Trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp phòng chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ.
  • Trẻ 6 tháng – 36 tháng: Tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng: Đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất từ rau, củ, quả
  • Trẻ mẫu giáo và học sinh, cần ăn uống điều độ đúng giờ, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Nếu trẻ bị biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, vi khuẩn. Nên bổ sung thêm các sản phẩm có chứa thành phần sữa non Colostrum như Colomi và sản phẩm có chứa thymodulin để tăng cường miễn dịch cho cơ thể của trẻ.

      Tóm lại: Để tăng cường đề kháng chống lại dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên lưu ý đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể, nghỉ ngơi đầy đủ, duy trì thể dục thể thao tại nhà và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, chúng ta sẽ chiến thắng COVID-19

TS.BS. Phạm Hoàng Hưng*

TS.BS. Vũ Thị Bắc Hà*

*Hội Nhi Khoa Thừa Thiên Huế , ** Hội Dinh Dưỡng Thừa Thiên Huế







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM