Nhiễm Corona virus – Nguyên nhân, triệu chứng và dự phòng

  • Ts.Bs. Nguyễn Đức Hoàng
  • 30-01-2020
  • 696 lượt đọc
Phổ biến kiến thức

Mới đây, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết một người đàn ông khoảng 30 tuổi đến từ quận Kanagawa, đã thử nghiệm dương tính với Corona virus gây bệnh viêm phổi cấp từ Trung Quốc. Trước đó, người đàn ông đã đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi đã có một đợt bùng phát bệnh viên phổi được cho là do chủng Corona virus mới gây ra.Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết loại virus mới này có thể lây lan và đã cảnh báo các bệnh viện trên toàn thế giới.

Nguyên nhân

     Nguồn lây trong tự nhiên là loại dơi tai to ở Trung Quốc, quanh mũi có nhú thịt hình móng ngựa.

     Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Tuy nhiên chất thải, rác thải từ bệnh nhân cũng có thể là nguồn lây nhiễm.

     Nồng độ virus trong máu cao nhất vào ngày thứ 10 sau khi nhiễm bệnh ở những trường hợp tử vong, 100% tìm thấy virus ở phổi; ngoài ra còn thấy với tỷ lệ cao ở ruột, gan, thận,…

Giải phẫu bệnh lý

     Hình ảnh phá hủy phế nang lan tỏa ở các mức độ khác nhau. Tổn thương phổi thay đổi theo giai đoạn bệnh.

  – Ở pha sớm: thoái hóa hyalin màng nền, phù tổ chức kẽ và khoang phế nang.

  – Ở pha tổ chức hóa: chủ yếu thấy tăng sinh nguyên bào sợi.

Triệu chứng lâm sàng – Cận lâm sàng

     Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2-7 ngày, có thể tới 12 ngày. Bệnh diễn biến qua hai giai đoạn (hai pha):

  – Pha đầu: bệnh nhân có sốt, thường là trên 38ºC, có thể kèm theo rét run. Một số triệu chứng hay gặp khác là mệt mỏi, đau đầu, đau cơ. Một số bệnh nhân có tiêu chảy, viêm long đường hô hấp trên.

  – Pha sau (còn gọi là pha hô hấp): suy hô hấp xuất hiện từ ngày thứ 3 tới ngày thứ 5 của bệnh. Triệu chứng thường gặp là ho khan, khó thở. Suy hô hấp thường tiến triển nặng lên nhanh chóng.

  – Xquang lồng ngực: hình ảnh thận nhiễm tổ chức kẽ lan toả (đặc trưng của trụy hô hấp cấp tính). Tuy nhiên có thể gặp tổn thương đông đặc phổi cục bộ.

  – CT-Scan lồng ngực giúp phát hiện sớm tổn thương phổi khi mà Xquang còn bình thường. Những trường hợp nặng, CT-Scan có thể phát hiện được hình ảnh kén đường kính nhỏ hơn 1cm, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất.

  – Số lượng bạch cầu máu ngoại vi nói chung bình thường, có thể giảm nhẹ; hay gặp giảm lympho. Giảm bạch cầu hạt và tiểu cầu hay gặp ở pha hô hấp. Men gan và creatinin có thể tăng sớm. Tăng LDH huyết thanh cũng hay gặp ở những trường hợp nặng.

Chẩn đoán

  – Dựa vào:

   + Dịch tễ.

   + Đặc điểm lâm sàng, Xquang lồng ngực.

  – Chẩn đoán xác định dựa vào cả hai xét nghiệm sau:

   + PCR với corona virus.

   + ELISA với corona virus.

   + Test ELISA tìm kháng thể IgG với corona virus có nhược điểm là phát hiện chậm, ít có giá trị chẩn đoán giai đoạn cấp, thời gian trung bình 19-20 ngày.

  + Với xét nghiệm PCR: mẫu bệnh phẩm có giá trị lấy từ dịch phế quản, dịch rửa phế quản phế nang. Test realtime PCR có độ nhậy cao hơn.

Điều trị

  – Bệnh nhân phải được điều trị hồi sức tích cực càng sớm càng tốt.

  – Kháng sinh luôn được sử dụng để phòng bội nhiễm.

  – Các thuốc kháng virus hay dùng là ribaririn, oseltamiric, nhưng hiệu quả chưa được theo mong muốn.

  – Corticoid cũng có chỉ định, tuy nhiên chưa cải thiện rõ ràng tiên lượng.

  – Một số phương pháp đang được nghiên cứu áp dụng điều trị:

   + Interferon alfa .

   + Dùng nitric oxid, đặc biệt cho bệnh nhân có tổn thương phổi, giúp cải thiện tình trạng thiếu oxy máu và cho phép tiến hành hô hấp hỗ trợ không xâm nhập chế độ áp lực dương cuối thì thở ra.

   + Glycyrhizin: một chế phẩm từ thảo dược có tác dụng ức chế virus.

   + Kháng thể đơn dòng.

Dự phòng

     Biện pháp cơ bản là:

  – Không đi vào vùng có dịch.

  – Hạn chế các sinh hoạt tập thể.

  – Nhân viên y tế có tiếp xúc bệnh nhân có chế độ dự phòng và cách ly đặc biệt.







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM