Thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ

  • Võ Minh
  • 19-06-2020
  • 212 lượt đọc
Tin khoa học công nghệ

Đó là mong muốn và đề xuất của lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm Huế với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi làm việc của Trường Đại học Nông lâm Huế với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 19/5/2020. Buổi làm việc được diễn ra với mục đích tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, củng cố và nâng cao vai trò của nhà trường trong công cuộc phát triển nông nghiệp và nông thôn tại tỉnh Thừa Thiên Huế

     Nâng cao tiềm lực và phát huy thế mạnh của nhà trường

     PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế đã đánh giá cao sự cố gắng của trường ĐHNL và sự đồng hành của tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, trong thời gian đến các trường thành viên khác của Đại học Huế cũng sẽ có các cuộc làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế.

     PGS.TS. Lê Đình Phùng – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã trình bày về tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của nhà trường, các nhiệm vụ KH&CN nổi bật của nhà trường đã thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong 5 năm qua, nhà trường đã thực hiện 40 nhiệm vụ khoa học trên địa bàn tỉnh. Nhiều đơn vị của nhà trường đã có đóng góp tích cực cho công cuộc xoá đói giảm nghèo trước đây và ngày nay là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ như Khoa Thuỷ sản, Khoa Nông Học, Khoa Chăn Nuôi Thú Y, Khoa Cơ Khí và Công Nghệ… và đặc biệt là Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung đã triển khai 95 nhiệm vụ với kinh phí gần 100 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, các nhiệm vụ KH&CN còn đơn lẻ, chưa tạo thành chuổi, chưa gắn kết nhiều với thị trường, chưa giải quyết các vấn đề một cách có hệ thống.

     Trong những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, di truyền, công nghệ sinh học, phân bón, bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản, trường Đại học Nông Lâm Huế đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trường cũng đã thực hiện các chương trình nghiên cứu về giải pháp phục hồi và phát triển hệ sinh thái rú cát dựa vào cộng đồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng ven biển miền Trung…Từ các chương trình, dự án đã góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh.

     Để phát huy vai trò, tiềm năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trường Đại học Nông lâm Huế mong muốn hợp tác và hỗ trợ ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp giá trị cao mà còn đảm bảo tính bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu…Theo đó, một số ý tưởng KH&CN được trường đề xuất thực hiện trong thời gian tới, gồm: Quy hoạch phát triển các vùng sản xuất dược liệu quy mô công nghiệp cho các huyện miền núi của tỉnh; Đánh giá tiềm năng, xói mòn và độ phì đất làm cơ sở cho quản lý, sử dụng đất nông nghiệp bền vững tại các huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiên Huế.

     Nghiên cứu xử lý chất thải chăn nuôi tập trung thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu sản xuất thuốc thảo mộc bảo vệ thực vật từ thực vật bản địa tại Thừa Thiên Huế; Sản xuất hồ tiêu hữu cơ công nghệ cao ở các vùng gò đồi; Trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh ở Bạch Mã. Hoàn thiện quy trình sản xuất giống và xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Ong bầu (Rhynchopelates oxyrhynchus Terminck & Schlegel) tại Thừa Thiên Huế…

     Ứng dụng Công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bacillus có tác dụng kích thích sinh trưởng và hạn chế bệnh hại cây trồng và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao hữu cơ. Ứng dụng đồng bộ giải pháp Khoa học Công nghệ nâng cao năng suất và hiệu quả trong chăn nuôi bò thịt  và Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao sức sản xuất của trâu ở Thừa Thiên Huế. Xây dựng mô hình chăn nuôi gà sạch theo hướng an toàn sinh học dựa trên nguồn thức ăn sẵn có thông qua phương pháp lên men với nấm men Saccharomyces cerevisiae để nâng cao hiệu quả sinh trưởng của gà được nuôi ở vùng cao Thừa Thiên Huế.

     Đề xuất nhiều nhiệm vụ KH&CN nhằm phát triển kinh tế-xã hội

     PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trường Trường Đại học Nông lâm Huế cho biết, trong những năm qua, nhà trường đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò của nhà trường, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Để các ý tưởng và các chương trình đề xuất hợp tác với tỉnh trong thời gian tới được triển khai, thực hiện hiệu quả, đề nghị Tỉnh và các sở, ngành quan tâm, phối hợp thường xuyên; nhất là tập trung vào các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh.  PGS.TS Trần Thanh Đức hy vọng trong thời gian tới, Trường Đại học Nông Lâm được tiếp tục giao nhiệm vụ, tham gia đề xuất ý tưởng. PGS cho rằng sắp tới cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo đề án tái cấu trúc của tỉnh, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm chủ yếu, có thương hiệu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, PGS.TS cũng mong muốn được hợp tác với tỉnh nhà trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho nông dân như đào tạo nghề ngắn hạn, nâng cao năng lực cho đội ngũ của địa phương, đào tạo nghề trong nông nghiệp.

     Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của nhà trường, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Thừa Thiên Huế, PGS.TS. Lê Đình Phùng đã thay mặt lãnh đạo nhà trường đề xuất 30 nhiệm vụ KH&CN khác nhau và 10 chương trình KH&CN nhằm phát triển nông nghiệp và kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các chương trình trọng điểm như phát triển các sản phẩm thuỷ sản đặc trưng như cá Dìa, cá Nâu, cá Ong Bầu… của vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai gắn với khôi phục sinh thái và phát triển du lịch cộng đồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công nghệ chế biến và bảo quản nhằm đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng tại Thừa Thiên Huế như ThanhTrà, Sen Huế, Gạo đặc sản..; Xây dựng và phát triển dược liệu đặc trưng Thừa Thiên Huế; Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao… Các chương trình này tiếp cận theo chuỗi, hướng đến người tiêu thụ, hướng đến thị trường, từ sản xuất đến người tiêu dùng. Phát triển các giống lúa chất lượng cao và lúa địa phương. Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao và chăn nuôi trâu thịt. Phát triển trồng Sen quy mô lớn và đa dạng hóa các sản phẩm từ Sen hướng tới sản xuất quy mô công nghiệp, xuất khẩu. Xây dựng và phát triển dược liệu đặc trưng ở tỉnh Thừa Thiên Huế; Khởi nghiệp nông nghiệp của thanh niên ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Phát triển trồng hoa hướng dương đa mục tiêu: du lịch sinh thái, lấy hạt, tinh dầu, và thức ăn chăn nuôi…

     Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm trình bày những kết quả đạt được, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở KH&CN, Sở Kế hoạch và Đầu tư… đã đánh giá cao sự đóng góp của nhà trường vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Các đề xuất nhiệm vụ KH&CN cũng như các chương trình mà nhà trường đề xuất phù hợp với nhu cầu thực tiễn của tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế. Lãnh đạo các Sở Ban ngành cũng đã đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về tăng cường hợp tác với nhà trường. Hy vọng, các ý tưởng và  chương trình nêu trên nếu được triển khai, thực hiện sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung, nhất là thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh.

     Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, tỉnh sẵn sàng ủng hộ các ý tưởng cũng như các chương trình mà Trường Đại học Nông lâm Huế đưa ra để triển khai thực hiện trong thời gian tới; trong đó, tỉnh sẽ nghiên cứu bổ sung và huy động các nguồn lực để phối hợp với trường triển khai hiệu quả cũng như nhân rộng các dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của trường vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

     Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư cho phát triển các hợp tác xã gắn với Chương trình OCOP, đồng thời có các chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho trường triển khai và thực hiện các công trình nghiên cứu KH&CN về phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, sạch, thân thiện môi trường. Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với trường để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể với tầm dài hạn nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. 

     Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đã giao cho Sở Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành khác đặc biệt là Sở KH&CN, và nhà trường xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể trong 5 năm. Kế hoạch hợp tác cần đề cập cụ thể các nhiệm vụ, các sản phẩm, các đặt hàng của tỉnh với Đại học Huế nói chung và nhà trường nói riêng; định kỳ 6 tháng một lần sẽ có cuộc làm việc giữa tỉnh và Nhà trường để đánh giá, giám sát các hoạt động triển khai cũng như đề xuất kế hoạch hành động tiếp theo.







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM