Thừa Thiên Huế xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số CCHC năm 2020

  • Theo thuathienhue.gov.vn
  • 25-06-2021
  • 173 lượt đọc
Tin trong tỉnh

Chiều 24/6/2021, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR index 2020) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 (SIPAS 2020). Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo UBMTTQ VN tỉnh cùng đại diện các sở, ngành có liên quan.

     Theo kết quả công bố, ở khối UBND cấp tỉnh, Thừa Thiên Huế với 88.47 điểm, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng, tăng 10 bậc so năm 2019 và là tỉnh xếp thứ nhất Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Quảng Ninh xếp đầu bảng toàn quốc với 91.04 điểm, xếp thứ 2 là Hải Phòng với 90.51 điểm; các tỉnh Phú Yên và Quảng Ngãi lần lượt xếp 62 và 63 với 73.43 và 73.25 điểm.

     Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83.72%, cao hơn 2.57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81.15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây. So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 38 đơn vị đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 các bộ, ngành cho thấy tiếp tục tập trung vào 2 nhóm điểm: Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, tiếp tục là 03 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị còn lại. Không có đơn vị nào có Chỉ số CCHC dưới 80%. Năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, đổi mới và sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ CCHC nhằm kịp thời ứng phó với những khó khăn, thách thức và những ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch và phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

     Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường giải quyết hồ sơ, xử lý công việc trên môi trường điện tử; đẩy mạnh giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19. Các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, sáng tạo để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn tại địa phương, giúp kết quả CCHC trong năm 2020 có nhiều chuyển biến rõ nét…

     Về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS), tỉnhThừa Thiên Huế xếp thứ 31/63 tỉnh (năm 2019 xếp 57/63).

     Phát biểu tham luận tại hội nghị, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xác định công tác CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh là Chương trình trọng điểm trong phát triển kinh tế – xã hội. Công tác CCHC của tỉnh được tổ chức triển khai tích cực, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, việc cải cách thể chế đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người làm việc tại bộ phận một cửa. Tỉnh cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng ngày càng tinh gọn, phù hợp với tình hình thực tiễn, hoạt động ổn định, hiệu quả.

     Điểm nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế là xây dựng chính quyền điện tử gắn với CCHC và ứng dụng CNTT, với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp xây dựng một chính quyền phục vụ, một đô thị thông minh, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh. Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT (ICTIndex) của tỉnh năm 2019 và 2020 liên tục xếp vị trí thứ 2 trên toàn quốc.

     Đến nay, 100% TTHC của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên; trong đó, DVCTT mức độ 3 đạt 79,4%, DVCTT mức độ 4 đạt 31,4%; 100% hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được số hoá, ký số và xử lý theo quy trình điện tử trên môi trượng mạng, có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng Internet, SMS, qua ứng dụng Hue-S.,.. góp phần giảm giấy tờ, thời gian, chi phí, tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết TTHC.

     Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (ĐTTM) đưa vào vận hành gần 20 dịch vụ ĐTTM. Dịch vụ ĐTTM giúp giảm bớt khâu xử lý trung gian, phương thức giám sát hiện đại. Việc xử lý trên dữ liệu số, quy trình số giảm đến hơn 65% thời gian xử lý so với trước đây. Kết quả công khai được người dân giám sát, từ đó trách nhiệm xử lý được nâng cao trong cơ quan nhà nước. Tỷ lệ hài lòng và chấp nhận của người dân luôn đạt mức trên 80%, tỷ lệ xử lý trễ hạn luôn nhỏ hơn 3%…







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM