Bảo tồn toàn vẹn Quần thể di tích Cố đô Huế

  • Theo baothuathienhue.vn
  • 09-06-2020
  • 9 lượt đọc
Xã hội

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu chủ đạo là “tôn vinh và tạo động lực tăng trưởng mới”.

      Làm sống lại các không gian di sản

      Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Quần thể di tích Cố đô Huế kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 đến nay đã trải qua 2 giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị. Tiếp nối những thành tựu của hai giai đoạn trên, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định là giai đoạn 3, với mục tiêu chủ đạo là “tôn vinh và tạo động lực tăng trưởng mới”.

      Mục tiêu của quy hoạch là phục hồi và làm sống lại các không gian di sản, tạo sinh lực mới để Huế trở lại vị thế đã từng có trong lịch sử; chuyển hóa Quần thể di tích Cố đô Huế thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế; bảo tồn bền vững, đưa di sản trở về với cộng đồng, gắn kết và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đồng thời, bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan Cố đô Huế trọn vẹn, chuẩn mực và bền vững gắn với phát triển Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm di sản quốc gia và toàn cầu.

      Theo định hướng, Quần thể di tích Cố đô Huế cần được đồng thời bảo tồn các dạng thể di sản: Di sản không gian, cảnh quan; di sản văn hóa, lịch sử (gồm di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ học); di sản đô thị (các khu vực phố cổ, thương cảng, thành cổ); di sản nông thôn, nông nghiệp và di sản văn hóa phi vật thể (cung đình, dân gian).

Du khách tham quan lăng Tự Đức thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

      Định hướng bảo tồn di tích bao gồm việc nhận diện lại các khu vực bảo vệ I và II; coi trọng các cứ liệu khoa học, lịch sử nhân chứng, di vật và bảo tồn nguyên trạng cảnh quan với vật liệu tự nhiên theo hướng phục chế, phục hồi và bảo quản; khôi phục, tái tạo, phục hồi, tu bổ đảm bảo tính chân thực của yếu tố gốc về mặt không gian, thời gian, vật liệu, màu sắc và các thuộc tính khác. Việc xác định các khu vực bảo vệ di tích không chỉ tập trung bảo tồn các công trình kiến trúc nghệ thuật nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế (theo danh mục quản lý) mà còn bảo tồn được các di sản đặc trưng, tiêu biểu về cảnh quan của từng khu vực.

      Các di tích, di sản thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế như Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành và các di tích ngoài Kinh thành (lăng tẩm, các di tích khác) sẽ được nghiên cứu, bảo tồn, tu bổ hoàn nguyên. Việc bảo tồn không chỉ đơn thuần dựa vào việc áp dụng các kỹ thuật và tiến bộ mới về bảo tồn di tích mà còn đòi hỏi tri thức, kỹ năng chuyên nghiệp và khoa học rộng lớn hơn bao gồm các tri thức về văn hóa – lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật mang tính hàn lâm và tập quán dân gian… Nhiệm vụ quy hoạch cũng đưa ra định hướng phát huy giá trị di tích; tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới.

      Được bảo tồn toàn vẹn

      Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế với nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn bền vững các di tích quốc gia đặc biệt, di sản UNESCO và mở rộng địa giới di sản bao gồm cảnh quan văn hóa xung quanh có liên quan về mặt không gian với những di tích cốt lõi, môi trường lưu vực sông Hương gắn với Quần thể di tích Cố đô Huế và tất cả các di tích, khu vực cảnh quan được cho là có giá trị di sản đáng kể liên quan tới Huế và chưa được liệt kê trong danh mục được công nhận di sản thế giới. Quy hoạch cũng hướng tới lập hồ sơ tái đề cử đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới bao gồm giá trị cảnh quan độc đáo của môi trường tại Huế và tăng cường bảo vệ đối với các di tích liên quan tới Cố đô Huế dọc theo sông Hương.

      Đến năm 2050, Quần thể di tích Cố đô Huế sẽ trở thành một không gian di sản hỗn hợp được bảo tồn toàn vẹn, một quần thể di sản thông minh, một khu vực di sản với phương thức tiếp cận đa phương tiện, một nhóm hạt nhân tăng trưởng vùng năng động của thành phố di sản, di sản đô thị giàu sức sống. Không chỉ trở thành một tổ hợp kinh tế di sản gắn kết với cộng đồng dân cư, nó sẽ là một chỉnh thể di sản cảnh quan văn hóa, phát triển bền vững và là điểm đến với thương hiệu toàn cầu.

      TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, nội dung nhiệm vụ quy hoạch cơ bản đã đánh giá tổng thể thực trạng các vấn đề liên quan đến Quần thể di tích Cố đô Huế trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong thời gian tới theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích cần đề cập việc lập kế hoạch đề nghị xếp hạng di tích đối với các công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế chưa được xếp hạng; đề xuất nâng cấp di tích đối với các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được xếp hạng; nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ các hiện vật, cổ vật, bảo vật quốc gia gắn liền Quần thể di tích Cố đô Huế cũng như xây dựng hồ sơ khoa học về các cổ vật có giá trị tiêu biểu để đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục bảo vật quốc gia.







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM