Xây dựng thương hiệu: Nhiều doanh nghiệp chưa "mặn mà"

  • Song Minh
  • 09-06-2020
  • 8 lượt đọc
Xã hội

Vấn đề xây dựng thương hiệu nói chung và đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa địa phương là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho sản phẩm, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.

     Không "đặt tên" dễ mất thương hiệu

     Những năm gần đây nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng, như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, cà phê Trung Nguyên…. từng bị nước ngoài sử dụng nhãn hiệu ở một số thị trường xuất khẩu. Song quá trình đòi lại thương hiệu cho sản phẩm thường tốn kém, khó khăn và khá hiếm thương hiệu được đòi lại thành công.

     Theo ông Ngô Thuần, Trưởng phòng Quản lý khoa học và chuyên ngành, Sở KHCN, đăng ký nhãn hàng hóa để bảo vệ thương hiệu là việc làm cần thiết cho những đơn vị, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, trang trại có sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Khi chậm trễ đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng, mua với số lượng lớn, DN rất dễ bị đánh cắp, làm giả thương hiệu. Đồng thời, chậm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thì thương hiệu sẽ không được bảo hộ, rất khó bảo vệ quyền lợi của mình khi có tranh chấp xảy ra.

     Ông LVA. ở Thuận Thành, TP Huế chia sẻ, cơ sở ông chuyên sản xuất kinh doanh các loại tinh dầu Huế. Do phương châm sản xuất có "chữ tín" nên sản phẩm của cơ sở được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm từ đối tác ở nước ngoài, trước khi sản phẩm vươn ra thị trường xa, ông A. đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để được bảo hộ khi đơn vị, cơ sở nào đó làm giả, nhái sản phẩm của mình.

Sản phẩm dầu tràm Huế ngày càng được thị trường ưa chuộng nhờ uy tín và thương hiệu

     Mới đây nhờ được "đặt tên", được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 309806 mà nhãn hiệu KAFA của Công ty TNHH IPCom Việt Nam (Khu KĐT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã yêu cầu Sở KHCN Thừa Thiên Huế xử lý quán cà phê KAFAN Coffee & Milktea (số 46  Phùng Hưng, TP Huế) đã xâm phạm nhãn hiệu khi sử dụng “KAFAN” gắn lên các sản phẩm đồ uống, menu và quảng cáo trên trang facebook KAFAN Coffee & Milktea. Kết quả buộc quán cà phê KAFAN Cofee & Milktea phải loại bỏ yếu tố xâm phạm quyền trên biển hiệu chính, trên menu, trên tường nhà của quán cà phê, trên các vật dụng ly, tách, trên facebook, trên các trang quảng cáo, chỉ dẫn … 

     Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, mỗi năm, đơn vị bắt giữ hàng chục vụ hàng hóa giả thương hiệu, như áo quần, giày dép giả nhãn hiệu North Face, Adidas, Nike….có giá trị 3-4 tỷ đồng. Năm 2019, đơn vị đã phối hợp phát hiện bắt giữ 55 vụ vi phạm mặt hàng áo quần, tú xách giả hiệu North Face, Adidas, Nike, Hermes, Chanel…..Với những sản phẩm trên đã được các doanh nghiệp đăng ký nhãn hàng hóa nên khi phát hiện rất dễ xử lý các đối tượng làm giả. Với những sản phẩm chưa đăng ký nhãn hiệu, sẽ rất khó để xử lý được đối tượng làm giả.

Cán bộ Cục quản lý thị trường kiểm tra xử phạt hàng giả, hàng nhái ở địa bàn Thừa Thiên Huế

     Doanh nghiệp chưa “mặn mà”

     Gần đây Thừa Thiên Huế có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các đơn vị, DN quan tâm về tài sản trí tuệ, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Các đơn vị, DN có nhu cầu có thể đăng ký với Sở KHCN để được hướng dẫn làm thủ tục thực hiện. Nhờ đó nhiều thương hiệu như Tôm chua, Thanh Trà, Dầu tràm Huế… đã khẳng định chất lượng có danh tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vẫn còn những DN chưa “mặn mà” với việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhất đơn vị, DN nhỏ, HTX sản xuất kinh doanh các sản phẩm tại địa phương

     Đại diện đơn vị chuyên sản xuất giò chả ở TP Huế thừa nhận, gần đây đơn vị có làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu, logo cho sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu khá lâu và nhiều thủ tục phức tạp nên đành “đứt gánh giữa đường” không tiếp tục hoạt động đăng ký thương hiệu…

     Tương tự, bà HTC, chủ cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm ở Phú Lộc cho hay, do đơn vị nhỏ nên chưa mặn mà đăng ký nhãn hiệu. Trong khi đó muốn đăng ký xây dựng phải tốn thêm khoản chi phí, thời gian làm thủ tục.

     Một số DN, HTX sản xuất hàng hóa đặc sản địa phương cho biết, việc xây dựng thương hiệu tập thể không hề đơn giản bởi tâm lý của nhiều người tiêu dùng vẫn còn chuộng hàng giá rẻ nên dù sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu vẫn rất khó cạnh tranh về giá cả so với những sản phẩm cùng loại chưa đăng ký nhãn hiệu nhưng có giá rẻ hơn…

     Câu chuyện thương hiệu bị đánh cắp không còn mới mẻ với đơn vị, DN Việt và nguyên nhân dẫn đến việc này là do DN chưa đăng ký nhãn hàng hóa để bảo hộ thương hiệu của mình. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay vấn đề xác lập quyền SHTT, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa rất cần thiết cho các đơn vị, DN. Đây là vấn đề đặt ra cho các ban ngành chức năng liên quan có các giải pháp, khả thi để hỗ trợ cho các sản phẩm địa phương thuận lợi hơn khi vào các thị trường lớn.







CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM