Nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông góc nhìn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế

Sự nghiệp cách mạng nước ta đang tiến hành với mục tiêu tạo ra sự tăng trưởng cao về kinh tế, tiến bộ và công bằng về xã hội, cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng nước ta thành một quốc gia giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Để đạt được mục tiêu đó vấn đề có ý nghĩa sống còn là phải đào tạo được một thế hệ trẻ có trình độ, trí tuệ, bản lĩnh, giàu lòng yêu nước. Điều này, phụ thuộc rất lớn vào nền giáo dục với chất lượng ngày càng cao để góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng nên kinh tế tri thức của nước ta hiện nay. Để làm được điều đó thì giáo dục bậc phổ thông có vai trò rất quan trọng và có tính quyết định. Giáo dục Việt Nam đang đổi mới ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học, cơ sở vật chất, thiết bị được cải thiện, chất lượng giáo dục và đào tạo có bước tiến bộ rõ rệt. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Phương pháp dạy học được đổi mới theo hướng tích cực từ đó chất lượng giáo dục và đào tạo không ngừng nâng cao. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục bậc phổ thông được xem là nền tảng và có ý nghĩa quan trọng. 

Tầm quan trọng của giáo dục bậc phổ thông được hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành trung ương Khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) khẳng định “…Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể  chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề  nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời…”

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là quá trình nhận thức khoa học, là hoạt động trí tuệ đặc thù bằng những phương pháp nghiên cứu nhất định để tìm ra một cách chính xác và có mục đích những điều mà con người chưa biết đến hoặc biết chưa đầy đủ, tức là tạo ra sản phẩm mới dưới dạng tri thức mới về nhận thức hoặc phương pháp. Trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo hiện nay thì đổi mới giáo dục phổ thông đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu của hoạt động NCKH, là sân chơi bổ ích giúp các em áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, học đi đôi với hành; tiếp cận, làm quen với phương pháp, kỹ năng NCKH, tạo đà cho các bậc học tiếp theo; tạo sự tự tin, tìm tòi và sáng tạo; rèn luyện cách làm việc tự lực, làm việc nhóm, tính tích cực, chủ động, hứng thú trong học tập và sinh hoạt. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh ở một số môn học có liên quan, phát hiện các tài năng để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Không những thế, NCKH trong nhà trường là một trong những nội dung được đẩy mạnh, nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Để phát huy những lợi ích trên, hoạt động NCKH phải được chú trọng ngay trong độ tuổi học trò, có như vậy mới có cơ sở xây dựng và phát triển được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

 Trong những năm qua, Đảng, nhà nước, các ban ngành và xã hội đã tạo ra nhiều chính sách, chủ trương và sân chơi khoa học để thúc đẩy phong trào NCKH của học sinh phổ thông ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả, nhiều hoạt động khuyến khích việc NCKH như: Cuộc thi Khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh trung học – Intel ISEF đến Hội thi Tin học trẻ không chuyên, hay Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng…và nhiều hoạt động khoa học phong phú khác. Ví như Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế (Cuộc thi) là cuộc thi hàng năm do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đây là Cuộc thi nhằm góp phần khuyến khích phong trào thi đua sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng, qua đó giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai; đồng thời tuyển chọn các đề tài tiêu biểu tham gia Cuộc thi toàn quốc. Qua 7 lần tổ chức, Cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh với gần 1.800 đề tài đăng ký tham gia, trong đó có hơn 240 đề tài có chất lượng tham gia vòng chung khảo và 108 đề tài được trao giải ở Cuộc thi cấp tỉnh, và nhiều đề tài xuất sắc được trao giải tại Cuộc thi toàn quốc qua các năm.

Nhìn chung, số lượng và chất lượng các đề tài tham dự Cuộc thi ngày càng nhiều và chất lượng hơn, đã đáp ứng được nhu cầu cần có một sân chơi khoa học lý thú, hấp dẫn, đồng thời có tác động tích cực đến phong trào NCKH trong các nhà trường. Kỹ năng học tập, làm việc nhóm, lập luận, trình bày…của học sinh được cải thiện, góp phần thúc đẩy việc thay đổi phương pháp dạy học  theo hướng tích cực hiện nay; tạo sân chơi mới lý thú, bổ ích, hấp dẫn; bồi dưỡng cho học sinh kể cả giáo viên kỹ năng phương pháp NCKH; hỗ trợ tích cực cho hoạt động chuyên môn trong nhà trường, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức trong sách vở vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, làm quen sớm với NCKH. Cuộc thi còn góp phần đưa giáo dục hội nhập tốt hơn và giúp chúng ta nhận rõ hơn điểm yếu của học sinh từ đó có hướng bồi dưỡng, hỗ trợ; là cơ hội huy động sự quan tâm, tham gia mạnh mẽ từ các tổ chức xã hội, các cơ sở NCKH, các trường Đại học… đối với các trường phổ thông.

Tuy nhiên, với góc nhìn của đơn vị tổ chức Cuộc thi, chúng tôi nhận thấy rằng tỷ lệ học sinh tham gia những sân chơi sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở các trường phổ thông còn khiêm tốn, ví như Cuộc thi năm 2014 của tỉnh có 42 đề tài tham gia vòng chung khảo, trong khi đó cả tỉnh có trên 200 ngàn học sinh với gần 400 trường phổ thông trong và ngoài công lập cùng đội ngũ giáo viên trên 22 ngàn người. Điều này cho thấy, kết quả đạt được vẫn chưa thể hiện hết tầm vóc, sự thông minh, sáng tạo của học sinh Thừa Thiên Huế, sự phát triển của phong trào NCKH chưa đều khắp giữa các các vùng, miền, giữa các trường và chưa thật sự bền vững.

Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau nên phong trào NCKH của một số trường học còn hạn chế, bị động. Một phần do ảnh hưởng của thực trạng nền giáo dục hiện tại quá đặt năng việc học và thi cử, phần lớn các em tập trung việc học là chính, trong khi một số trường chưa thật quan tâm và xem công tác NCKH là nền tảng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Chế độ chính sách chưa đủ sức thu hút giáo viên, học sinh tham gia NCKH; các trường chưa có chiến lược cho việc hình thành và phát triển phong trào NCKH của học sinh.

Bên cạnh đó, việc “nhóm lửa” – phát huy khả năng khám phá, tư duy độc lập, sáng tạo và NCKH ở học sinh phổ thông còn nhiều hạn chế, rào cản. Số lượng, chất lượng các đề tài chưa phát huy tiềm năng trí tuệ, sáng tạo của học sinh, một số học sinh chưa hứng thú với NCKH, thậm chí một số ít em được phỏng vấn vẫn còn chưa biết đến sân chơi khoa học bổ ích này tạo ra là cho mình (cho rằng sân chơi này là của đội học sinh giỏi và của giáo viên). Học sinh vẫn còn gặp khó khăn trong xác định ý tưởng, lựa chọn đề tài và thời gian giành cho NCKH. Chính vì vậy, hàm lượng khoa học chưa cao, chưa đáp ứng với những vấn đề xã hội quan tâm.

Ngoài ra, một số giáo viên còn hạn chế về kỹ năng, phương pháp NCKH từ đó dẫn đến tâm lý ngại hướng dẫn NCKH cho học sinh, thiếu niềm tin vào công tác NCKH của các em; Thiếu các cơ chế, chính sách tạo động lực và nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động NCKH của học sinh; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các trường chưa đáp ứng cho hoạt động NCKH; Tâm lý một số phụ huynh không muốn cho con em mình tham gia hoạt động NCKH vì e sợ sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập nên thiếu sự ủng hộ và động viên khuyến khích.

Để nâng cao chất lượng NCKH tại các trường phổ thông bằng việc tạo ra sân chơi khoa học từ Cuộc thi, cần thực hiện dodongf bộ các giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyền truyền: Tổ chức truyền thông rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, nội dung, kế hoạch các cuộc thi, hội thi đến các đơn vị chức năng, ngành giáo dục đào tạo, cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội, từ đó nâng cao nhận thức cho các đơn vị, cá nhân, xã hội và chất lượng giáo dục, đào tạo; Nâng cao năng lực nghiên cứu cho học sinh và giáo viên: Tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh về phương pháp, kỹ năng NCKH;; tạo điều kiện, khuyến khích để học sinh, giáo viên tham gia hội nghị, hội thảo khoa học và triển khai áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; Tổ chức thực hiện, cơ chế chính sách: Cần có chế độ ưu tiên, khuyến khích đối với giáo viên, người hướng dẫn NCKH, học sinh đoạt giải cấp cơ sở; người có nhiều đóng góp tích cực trong Cuộc thi, kịp thời khích lệ, động viên, khuyến khích những học sinh có thành tích cao trong các Cuộc thi khoa học và kỹ thuật, ý tưởng sáng tạo cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế; Từng bước đầu tư hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ dạy học và nghiên cứu, đồng thời cần có chiến lược và kế hoạch để xây dựng hoạt động học tập gắn kết với phong trào NCKH của học sinh; Tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ cho hoạt động NCKH và tổ chức các Cuộc thi cấp cơ sở. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy theo hướng giảm tải cho học sinh và xem NCKH là hoạt động bắt buộc ở các trường phổ thông; đồng thời cần ban hành các chế độ, chính sách phù hợp hơn cho giáo viên, học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi”. Quan trọng hơn, lãnh đạo các bộ, ngành, cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho giáo dục để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy; cần có cơ chế khuyến khích phát triển những ý tưởng khoa học hay và triển khai ứng dụng các đề tài chất lượng phục vụ cuộc sống từ các đơn vị quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp.

GS.TS. Trần Hữu Dàng, ThS. Hồ Thành

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: