Trầm cảm, yếu tố nguy cơ của bệnh Tim mạch

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung bình 850 000 mạng người, đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Nhưng chỉ khoảng 25 % trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân tim mạch có khác nhau theo vài nghiên cứu nhưng hầu hết những thống kê cho thấy tỷ lệ mắc trầm cảm biểu hiện ở mức độ triệu chứng và trầm cảm thực sự chiếm tỷ lệ từ 15-30%.

Bệnh thường gặp ở bệnh nhân suy tim và bệnh nhân  mạch vành, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới. Trầm cảm triệu chứng và trầm cảm thực sự chiếm tỷ lệ khoảng 65% những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, trong đó trầm cảm thực sự chiếm khoảng 15-22%. Ở bệnh nhân suy tim tỷ lệ bệnh khoảng 35-38%.

Trầm cảm và bệnh mạch vành

Trầm cảm đã được tìm thấy là một yếu tố nguy cơ trong các nguyên nhân của bệnh mạch vành. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế trong việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa trầm cảm và bệnh mạch vành.  Xơ vữa động mạch, các cơ chế sinh lý bệnh tiềm ẩn của bệnh mạch vành, đã hình thành từ nhiều năm trước khi xuất hiện các triệu chứng tim mạch. Vì vậy, xơ vữa động mạch có thể tạo điều kiện cho các triệu chứng trầm cảm hình thành, thậm chí trước khi các triệu chứng lâm sàng bệnh mạch vành xuất hiện. 

Trầm cảm và suy tim

Tỷ lệ trầm cảm trên bệnh nhân suy tim theo nhiều nghiên cứu khoảng từ 35-38%. Số liệu thống kê cho thấy nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở bệnh nhân suy tim gấp 4-5 lần so với cộng đồng . Ở bệnh nhân suy tim , trầm cảm gắn liền với tình trạng sức khỏe kém, tần suất nhập viện cao, tỷ lệ tử vong cao.

Tương tự một phân tích gộp khác được thực hiện bởi Freedland và cs cũng cho thấy tỷ lệ trầm cảm có mối tương quan mạnh với tình trạng tuổi, mức độ suy tim ở bệnh nhân nhập viện. Trầm cảm thường gặp ở những bệnh nhân > 60 tuổi và suy tim nặng hơn. Bên cạnh đó người ta cũng thấy trầm cảm chiếm tỷ lệ cao ở những bệnh nhân suy tim cấy máy phá rung (ICD) so với nhóm bệnh nhân còn lại.

Trầm cảm và rối loạn nhịp tim

Hệ thống thần kinh tự động đóng một vai trò quan trọng trong sự xuất hiện của rối loạn nhịp tim và là cơ sở lý giải sự tác động của căng thẳng (stress) thần kinh và trầm cảm đến sự cân bằng thần kinh tự động tim. Ngày càng có các bằng chứng cho thấy những bệnh nhân có những thay đổi lớn nhất trong việc điều hòa thần kinh tim với giảm trương lực phó giao cảm đi đôi với tăng hoạt động giao cảm có nguy cơ lớn nhất đối với  hình thành loạn nhịp thất gây tử vong. Ảnh hưởng của căng thẳng và trầm cảm trên hệ thống thần kinh tự động và tác động vào sự xuất hiện rối loạn nhịp tim của cả tâm nhĩ và tâm thất đang được thảo luận.

Trầm cảm và tăng huyết áp

Nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) khởi đầu vào đầu những năm 1970 với các thử nghiệm tâm lý kỹ lưỡng của gần 3.000 người trưởng thành có huyết áp bình thường. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra huyết áp và hồ sơ y tế của các đối tượng từ 7 đến 16 năm sau đó, và phát hiện một xu hướng đáng chú ý: Những người mắc hoặc trầm cảm nặng hoặc lo lắng khi bắt đầu cuộc nghiên cứu tăng 2-3 lần mắc bệnh THA so với những người còn lại. Mối quan hệ nhân quả giữa trầm cảm và THA vẫn còn nhiều tranh cãi. Trầm cảm và lo âu thường dẫn đến hút thuốc lá, uống rượu quá mức, và tăng cân, hành vi đó là chắc chắn có thể thúc đẩy tăng huyết áp và bệnh tim.

Các trắc nghiệm rối loạn trầm cảm giúp chẩn đoán sàng lọc

Người ta có thể dùng các trắc nghiệm khác nhau để chẩn đoán trầm cảm, thông dụng có trắc nghiệm BDI và DASS.

BDI ( Beck Depression Inventory) là bảng kiểm đo trầm cảm của Aaron T. Beck. Bảng kiểm gồm 21 mệnh đề với nội dung là các biểu hiện, triệu chứng đặc thù của tình trạng trầm cảm. Với thiết kế đa phương án lựa chọn cho nghiệm thể, bảng kiểm có thể đo mức độ trầm cảm ở trẻ vị thành niên và người lớn. 

Còn DASS (Depression Anxiety Stress scale) là thang đo 3 trạng thái cảm xúc âm tính liên quan đến nhau: trầm cảm, lo âu và căng thẳng.

KẾT LUẬN

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy trầm cảm là yếu tố nguy cơ quan trọng, độc lập của bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu vẫn còn bàn cãi về mối quan hệ nhân quả giữa trầm cảm và bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu đã đưa ra cơ chế liên quan giữa trầm cảm và bệnh tim mạch ngày càng rõ và mang tính thuyết phục. Cần thêm nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa trầm cảm và bệnh tim mạch trong tương lai gần để xác định trầm cảm là YTNC của bệnh tim mạch, tiến tới đưa trầm cảm vào quản lý và điều trị trong bệnh tim mạch.

Lê Thanh Hải*, Nguyễn Đức Hoàng**, Huỳnh Văn Minh**

Hội Tim mạch Thừa thiên Huế

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Hồng Tuân, Nguyễn Minh Quân. Trầm cảm trong bệnh tim mạch. Tạp chí Tim mạch học Tp. Hồ Chí Minh Thứ năm, 27 Tháng 12 2012.

2. Phạm Nguyễn Vinh. Trầm cảm, rối loạn lo âu và bệnh tim mạch 2012. Đại học Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Văn Dũng. Sử dụng một số trắc nghiệm tâm lý hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng và đánh giá hiệu quả điều trị các rối loạn trầm cảm ở người cao tuổi

4. Dominique L. Musselman, MD; Dwight L. Evans, MD; Charles B. Nemeroff, MD, PhD. The Relationship of Depression to Cardiovascular Disease Epidemiology, Biology, and Treatment. Arch Gen Psychiatry. 1998;55:580-592

5. K . Ranga R. Krishnan . Broken heart: depression in cardiovascular disease. In: Dialogues in Clinical Neuroscience, Vol 5, No 2, 2003, p167-174

6.  Balog P, Janszky I, Leineweber C, Blom M, Wamala SP, Orth-Gomer K. Depressive symptoms in relation to marital and work stress in women with and without coronary heart disease. The Stockholm Female Coronary Risk Study. J Psychosom Res. 2003;54(2):113–9.

 

 

Người cập nhật: Nguyễn Doãn Quan

Các bài viết khác: