Trí thức và ý thức dân tộc

Trí thức là một khái niệm đã trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội, thường gắn liền với chức danh, học vị và hoạt động tinh thần. Nhưng phải chăng, hễ đạt đến một trình độ học vấn nào đó là có thể trở thành trí thức, hay nói cách khác, trình độ học vấn có phải là tiêu chí duy nhất làm nên một trí thức hay không? Bài viết của Duy Khiêm sau đây (được đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 11/9/2012) là một cách tiếp cận vấn đề, Ban biên tập xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

1. Thật ra, ở thời đại nào, xã hội cũng tồn tại một lớp người được đào tạo và đạt đến những nấc thang khác nhau về học vấn. Không ít người trong số đó là những “bộ óc” của xã hội, là “túi khôn” hay theo cách nói bình dân truyền thống là những “bồ chữ”. Họ là những người nắm giữ một phần tri thức, di sản trí tuệ, văn hiến của một dân tộc, thông qua con đường học vấn mà họ đã sở hữu những tài sản tinh thần cao quý đó. Hơn thế, họ còn là người thông qua lao động trí óc cũng như sự dấn thân xã hội, đã sáng tạo nên những giá trị bao gồm cả tri thức lẫn tinh thần. Trong các xã hội truyền thống ở Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp của không ít Nho sĩ, thiền sư, đã mang đậm phẩm cách trí thức.

Dẫu vậy, phải đến xã hội hiện đại, khi trong xã hội có sự chuyên môn hóa cao độ, khi các ngành nghề dựa trên tri thức phát triển và tồn tại một cách độc lập, thì tầng lớp trí thức hiện đại mới thật sự định hình. Thông thường, trí thức được hiểu là người có một trình độ học vấn ở bậc cao, đạt được thành tựu trong lĩnh vực hoạt động của mình và chính các thành tựu tinh thần đã góp phần tạo nên uy tín xã hội của mỗi trí thức. Tuy nhiên, nếu chỉ có uy tín chuyên môn, sẽ khó có thể phân biệt được người trí thức với các chuyên gia trong lĩnh vực lao động trí óc. Bởi, một trí thức được phân biệt với một chuyên gia trước hết do khuynh hướng tri thức có tính liên ngành và bách khoa của họ.

Hơn thế nữa, đặc điểm quan trọng nhất phân biệt một trí thức với một chuyên gia chính là khuynh hướng dấn thân về mặt xã hội. Trí thức không chỉ là người khép kín mình trong “tháp ngà” về chuyên môn mà luôn có khuynh hướng tham gia vào việc cải tạo xã hội bằng các hoạt động khác nhau, và đặc biệt là thường có hành động bảo vệ các giá trị tinh thần cao đẹp. Ðó chính là lý do khiến ở Pháp, từ “trí thức” với nghĩa hiện đại đã hình thành cùng sự kiện nhà văn Emile Zola cáo giác tính phân biệt chủng tộc tồn tại trong xã hội Pháp, thể hiện qua vụ án Dreyfus. Ở Việt Nam, những tên tuổi như Trần Ðức Thảo, Trần Ðại Nghĩa, Lương Ðịnh Của, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khắc Viện,… luôn là tấm gương sáng của người trí thức hiện đại, vì họ dám hy sinh, dám từ bỏ lợi ích cá nhân để đồng hành cùng dân tộc trong những giai đoạn cam go của lịch sử.

2. Với một hình dung như trên, dễ thấy rằng, trí thức có vai trò rất lớn trong xã hội, nhất là trong xã hội hiện đại, khi mà các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ như vũ bão, những phương tiện giúp tiếng nói của người trí thức có được sức lan tỏa rộng khắp. Uy tín xã hội khiến người trí thức có ảnh hưởng lớn đến dư luận, thậm chí còn góp phần định hướng dư luận và hành động của một bộ phận, tầng lớp cư dân nào đó. Trong chiến tranh chống Mỹ, tiếng nói của những trí thức như Bertrand Russell, J.P. Sartre đã góp phần quan trọng trong việc ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ở Việt Nam, trong giai đoạn trứng nước của nền cộng hòa, sự tham gia của tầng lớp nhân sĩ, trí thức đã là một nguồn động viên quan trọng, góp phần làm nên uy tín, sức mạnh của chính phủ mới. Bên cạnh đó, vốn tri thức, đặc biệt là tri thức có tính liên ngành, đã khiến người trí thức còn có vai trò là người tư vấn – phản biện các chính sách của Nhà nước. Thực tế những năm qua cho thấy, trong các nhiệm kỳ quốc hội, giới trí thức luôn luôn góp mặt, với thành phần là những người có uy tín; và hơn nữa, trái với luận điệu xuyên tạc của một số người, qua các nhiệm kỳ chính phủ, bằng các hình thức khác nhau, Nhà nước cũng thường xuyên duy trì cơ cấu tham vấn và đối thoại giữa giới trí thức với giới lãnh đạo. Các cơ quan báo chí cũng là cầu nối để giới trí thức bày tỏ chính kiến của mình trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội, cũng như các quyết sách lớn của Nhà nước. Những năm gần đây với những quyết sách lớn của các cấp chính quyền, giới trí thức còn được mời gọi và được tạo điều kiện để tư vấn, phản biện. Ðáng chú ý, trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền đất nước, đóng góp của giới trí thức, các nhà chuyên môn đặc biệt có giá trị.

Tuy nhiên, từ một phía khác, cũng cần thấy rằng bất cứ một tiến trình nào cũng đều tiềm ẩn những nguy cơ. Trước hết, việc phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp về các vấn đề xã hội có thể dễ rơi vào tình trạng phiến diện, thiếu cái nhìn đa chiều và tính biện chứng. Ðó là chưa kể tới tình trạng vì cả tin cho nên dẫn đến việc áp dụng nhiều lý thuyết khoa học chưa được kiểm chứng và xác nhận cơ sở khoa học. Một phương diện nguy hiểm khác là người trí thức, do còn thiếu thông tin thực tế, hoặc quen sống trong môi trường hoạt động riêng biệt mà có thể bị lôi cuốn và lợi dụng. Tuy nhiên, nguy hại lớn nhất lại xuất phát từ những nguyên nhân có tính chủ quan như nhẹ dạ, thiếu cẩn trọng, thậm chí lầm tưởng hoặc tự lầm tưởng phản biện xã hội là chức năng xã hội duy nhất của trí thức. Nguy hại hơn, đã có một vài “trí thức” lập blog cá nhân, từng bước biến blog đó thành trang thông tin điện tử, mang dáng dấp của một thứ báo tư nhân, đồng thời đăng tải trên đó các thông tin không được kiểm chứng, kèm các bình luận có tính xuyên tạc. Các hiện tượng nói trên cho thấy, trí thức luôn là lực lượng quan trọng trong xã hội, là đại diện của tri thức và lương tâm của xã hội, nhưng khi thế giới tinh thần gắn với nhận thức sai lạc hoặc gắn với ý đồ cá nhân, thì trí thức cũng có thể sa vào con đường lầm lỡ, thậm chí tác động tiêu cực đến xã hội.

3. Quan sát đời sống chính trị trên thế giới hiện nay, có thể nhận thấy một khuynh hướng rõ nét, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và nhiều khi chủ nghĩa dân tộc bị đẩy đến mức cực đoan. Trước hết, cần khẳng định rằng, dân tộc, quyền lợi dân tộc, chủ quyền dân tộc là những giá trị thiêng liêng, cao cả. Ngay ở những nơi mà khuynh hướng quốc tế và liên kết khá mạnh như châu Âu, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính kéo dài trong mấy năm vừa qua cho thấy thực tế hết sức hiển nhiên là không có một cá nhân hoặc thiết chế chính trị nào có thể đứng trên các vấn đề dân tộc. Những bất đồng sâu sắc, thậm chí đến mức chia rẽ, có thể đẩy tới nguy cơ làm tan rã Liên minh châu Âu và “khai tử” đồng Euro chủ yếu đều bắt nguồn từ quyền lợi dân tộc. Tuy vậy, lịch sử cũng cho thấy một bài học mà nhân loại đã phải trả với giá rất đắt, bằng rất nhiều máu, đó là chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng là ngọn cờ dễ bị lợi dụng phục vụ cho các mưu đồ chính trị đen tối và gây ra những thảm họa khôn lường.

Nguy hại hơn, các thế lực thù địch cũng đang cố gắng lợi dụng các khẩu hiệu liên quan đến quyền lợi dân tộc để trục lợi chính trị, thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”. Chính lúc này, trách nhiệm xã hội đang đòi hỏi người trí thức có trách nhiệm cần luôn cẩn trọng trước khi đưa ra quan điểm, ý kiến riêng, nhất là nhân danh khoa học. Cần nhận thức rằng, tiếng nói của những người được coi là trí thức, được coi là có trí tuệ, khi đề cập đến các vấn đề dân tộc lại rất dễ mê hoặc một bộ phận công chúng còn thiếu cái nhìn phê phán và tỉnh táo. Lần dở lại lịch sử Việt Nam những năm 1945 – 1946, thời kỳ trứng nước của chế độ mới, khi Chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch phải tiến hành những bước đi khéo léo, hòa hoãn tạm thời với thực dân Pháp để chuẩn bị cho kháng chiến, không ít “trí thức xa lông” cũng lên tiếng phê phán Chính phủ mới đã “bán nước cho Pháp”. Và lịch sử đã chứng minh chân lý, lẽ phải không thuộc về những người đó, mà thuộc về những trí thức chân chính, những con người thuộc đủ mọi thế hệ, nguồn gốc học vấn, biết vượt qua những định kiến để đặt trọn niềm tin vào Ðảng Cộng sản, tận hiến với dân tộc trên con đường đấu tranh vì nền độc lập của đất nước. Tấm gương của các trí thức đó là minh chứng thuyết phục nhất về một ý thức dân tộc chân chính, tuyệt đối vô tư, không tách rời sự tỉnh táo trí tuệ và tỉnh táo chính trị, biết nhận ra và đứng về phía lẽ phải.

 

Duy Khiêm

Người cập nhật:  

Các bài viết khác: