Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp – Mô hình góp phần cải thiện môi trường ở Quảng Điền

Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp là một trong những chương trình trọng điểm phát triển kinh tế xã hội của huyện Quảng Điền. Chương trình này đã gặt hái những kết quả đáng trân trọng , vừa góp phần thúc đẩy nền kinh tế của huyện phát triển một cách ổn định và bền vững vừa tạo nên sự giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất chăn nuôi.

Là một huyện có thế mạnh trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, huyện Quảng Điền đã đưa vào sản xuất 10.816 ha cây trồng các loại, trong đó cây lương thực có hạt 7.273 ha, cây có củ 1.008 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 1.127 ha và cây thực phẩm 1.357 ha. Thực hiện chương trình trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội về đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, từ đó hiệu quả canh tác trên đơn vị diện tích đã được nâng lên đáng kể. Toàn huyện Quảng Điền đã chuyển hơn 527 ha canh tác từ diện tích đất trồng lúa, trồng màu, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng mía, lạc và cây thực phẩm, nuôi cá và cá – lúa. Đồng thời , đã vận động nhân dân mở rộng diện tích sản xuất các giống cây trồng có năng xuất và hiệu quả cao hơn, như các giống lúa mới TH1, TH5, giống lạc MD7, MD9, L14 lên 864 ha. Đặc biệt Quảng Điền đã chú trọng mở rộng diện tích gieo trồng, sản xuất theo phương thức canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao như lạc xen ngô, mô hình trồng sen nuôi cá. 

Đẩy mạnh chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên diện rộng, từ đó việc phun thuốc trừ sâu một cách không định kỳ như trước đây đã giảm hẳn. Đến nay, đã có hơn 97% hộ nông dân đã biết áp dụng công tác dự tính, dự báo sâu bệnh thực tế trên đồng ruộng để tiến hành phun thuốc điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Các mô hình như trồng rau an toàn, mía, lạc ngày càng đựơc phát triển trên cả diện tích và chất lượng sản phẩm, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy nền kinh tế của huyện theo hướng tăng trưởng ổn định.

Diện tích sản xuất lúa của huyện đã ổn định trên 7.819 ha, với phương châm nâng cao năng suất sản lượng trên đơn vị diện tích. Hàng năm, huyện Quảng Điền đã vận động nhân dân đẩy mạnh sử dụng lúa cấp I vào sản xuất đạt 100% diện tích gieo cấy toàn huyện. Cùng với việc nâng tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp I, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cũng đựơc áp dụng mạnh mẽ nên sản lượng lương thực tăng lên đáng kể, năng suất lúa bình quân trong cả huyện đạt 59,7 tạ/ha, sản lượng đạt  hơn 47 nghìn tấn, các loại cây trồng đều mang lại thu nhập cao.

Cùng với việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Quảng Điền cũng đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả cao như tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích lạc xen ngô, mô hình chuyên lạc, mô hình 3 tầng sinh thái, mô hình cá lúa… Có những mô hình có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm như mía Cẩm Tân ở Quảng Phú, rau má ở Quảng Thọ, rau xanh ở Quảng Thành, khoai lang mỡ ở Quảng Thái, Quảng Lợi.

Bên cạnh đó, công tác cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng được các địa phương chú trọng. Đến nay toàn huyện đã thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp được trên 80% công việc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vừa giảm thời gian lao động cho người dân vừa tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân. Chính nhờ vậy, nó sẽ tạo điều kiện cho người nông dân có thể tăng diện tích sản xuất trong một mùa vụ. Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đã đưa giá trị sản lượng tăng bình quân hàng năm 6,1%. GDP bình quân hàng năm đạt 7,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,4 triệu đồng/năm.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, những năm trở lại đây , ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng đã gây rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế của huyện. Tuy nhiên, nhờ chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nên tổng đàn gia súc và gia cầm của huyện đựơc khôi phục và phát triển. Thế mạnh trong chăn nuôi của huyện là phát triển kinh tế chăn nuôi theo hướng trang trại trên vùng rú cát kết hợp với phát triển chất lượng đàn nuôi, hầu hết trang trại đều ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi nên đã hạn chế sự ô nhiễm trong chăn nuôi, tránh rủi ro dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy lĩnh vực chăn nuôi đã có tác động rất lớn trong quá trình thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm.            

 

Công Cường

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: