Những nội dung mới của Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2002 ra đời trên cơ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Đây là một văn bản pháp lý đầu tiên được ban hành quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV,PB&GĐXH) của Liên hiệp Hội Việt Nam. Quyết địnhnày đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hội Việt Nam huy động sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án kinh tế – xã hội quan trọng của đất nước trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quyết định 22 cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế,vì vậy ngay từ năm 2008, khi tổ chức tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đề xuất kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 22 bằng một quyết định mới nhằm đẩy mạnh hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ chính thức giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề xuất nội dung quyết định mới về hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam thay thế Quyết định số 22. Sau hơn 3 năm nghiên cứuxây dựng và hoàn thiện dự thảo, Ngày 14/2/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam. Quyết định số 14 có những điểm mới nổi bật sau:

  1. Quy định rõ về phạm vi thực hiện TV,PB&GĐXH: Trong Quyết định 22 tuy đã nêu quy định phạm vi điều chỉnh về TV,PB&GĐXH là “chính sách, các chương trình, dự án, đề tài về phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học, công nghệ và môi trường có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành, do các cơ quan xây dựng, thực hiện hoặc trình cấp trên phê duyệt”nhưng khi triển khai thiếu quy định rõ loại đề án có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm như thế nào cần phải thực hiện TV,PB&GĐXH và chưa quy định cụ thể về loại đề án cần có TV, PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam. Quyết định mới đã nêu rõ phạm vi điều chỉnh hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên là các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn, công trình quan trọng quốc gia, các vấn đề liên quan tới khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Mặt khác Quyết định mới cũng xác định cụ thể các loại đề án mà Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện. Như vậy so với Quyết định số 22 phạm vị hoạt động quy định rõ ràng, cụ thể hơn và được mở rộng hơn.
  2. Xác định rõ khái niệm về tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Trong Quyết định số 22, việc hiểu và áp dụng cụm từ “tư vấn, phản biện và giám định xã hội” còn có sự khác nhau. Nhiều khi vấn đề được hiểu và cho rằng từ xã hội chỉ gắn với khái niệm giám định. Để khắc phục bất cập này cần phải xác định rõ ràng về nội dung cụm từ tư vấn xã hội, phản biện xã hộivà giám định xã hội. Quyết định mới đã nêu rõ khái niệm này và xác định TV,PB&GĐ của Liên hiệp Hội Việt Nam là hoạt động mang tính chất xã hội, phản ánh ý kiến và sự quan tâm của xã hội về một vấn đề hoặc nội dung cụ thể.
  3. Về phương thức thực hiện: Quyết định 22 đã nêu hai phương thức là do các cơ quan Nhà nước đặt yêu cầu và do Liên hiệp Hội Việt Nam tự đề xuất. Tuy nhiên, quy định này chưa cụ thể và đầy đủ nên Liên hiệp Hội Việt Nam không phát huy được quyền chủ động thực hiện các nhiệm vụ này và các cơ quan Nhà nước trong thực tế chưa thực hiện việc đặt hàng. Quyết định mới đã nêu rõ phương thức, quy trình, thủ tục lấy ý kiến TV,PB&GĐ và quy định rõ hơn sự chủ động thực hiện các nhiệm vụ TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam.
  4. Quy định cụ thể về cơ chế tài chính: Những qui định về nguồn và cơ chế tài chính phục vụ hoạt động TV,PB&GĐXH trong Quyết định 22 chưa thật rõ ràng và do đó quá trình triển khai thực hiện trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là đối với các hội thành viên. Quyết định mới xác định rõ nguồn kinh phí cho hoạt động này được lấy từ kinh phí sự nghiệp KH&CN trên cơ sở hàng năm Liên hiệp Hội lập kế hoạch và thống nhất với ngành Khoa học và Công nghệ và ngành Tài chính. Quyết định cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cơ chế tài chính cho hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Namđã thể chế hóa nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam với những nội dung được đề cập cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động TV,PB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam,chúng ta hy vọng thời gian tới hoạt động này sẽ có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc giải quyết các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, phát huy được sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN nước nhà và thể hiện được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam.



Ts. Phạm Văn Tân (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LHHVN)

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: