Vài điều về lệ làng ở Thừa Thiên Huế

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ khi có con người sinh sống trên đất Việt đã cho ra đời các quy định để điều chỉnh những sinh hoạt trong cộng đồng. Trong quá trình phát triển đi lên của con người thì các quy định đó dần dần được bổ sung cho phù hợp và tiến lên một bước con người đã dựa trên cơ sở đó để đưa ra hệ thống pháp luật của mình. Như thế để biết rằng sức trường tồn của “lệ làng” rất bền vững, nó còn “nguyên giá trị” cho đến ngày nay.

Với một nhà nước mới ra đời như Văn Lang – Âu Lạc thì các hành vi để điều khiển trong cộng đồng cũng được thực hiện bằng tập quán pháp. Có thể nói được rằng lệ làng là một di sản đặc biệt của làng xã Việt Nam. Nó lưu giữ và góp phần hun đúc, giữ gìn nòi giống cho dân tộc Việt Nam. Cũng nhờ những lệ làng mà cả nghìn năm Bắc thuộc con cháu Lạc Hồng vẫn không bị đồng hóa, từ đời này đến đời khác được truyền miệng về những phong tục tập quán của người nước Nam. Để khi ra khỏi ngàn năm Bắc thuộc đó, bản sắc con người Việt vẫn được gìn giữ. Có lẽ đến nay các nhà nghiên cứu cũng chưa xác định rõ được rằng hương ước ở Thừa Thiên Huế nó xuất hiện từ khi nào, từ khi các châu Ô và Châu Lý sát nhập vào Đại Việt hay trước đó bộ phận dân tộc Champa đã có. So với các làng xã phía Bắc thì các làng xã ở Thừa Thiên Huế được xem như là những làng xã “mới” nhưng nói như thế không phải phủ nhận cư dân Champa đã sống ở đây chưa thành lập làng, xã, mà trước khi nhập vào Đại Việt ở đây đã hình thành nên những xóm làng trù mật rất phát triển và sau này đã trở thành một bộ phận của dân tộc Việt.

Tuy vậy, đến nay thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể nghiên cứu một cách sâu sắc về các lệ làng của cư dân nơi đây, chủ yếu người ta chỉ quan tâm bắt đầu từ khi châu Ô và Lý nhập vào Đại Việt. Theo các nhà nghiên cứu thì cho rằng hương ước ở nước ta xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV khi chế độ phong kiến được xác lập “Ở Việt Nam, có thể mầm mống của hương ước cũng đã xuất hiện từ trước, nhưng phải đợi đến cuối thế kỷ XV, khi mà chế độ phong kiến được xác lập, hệ tư tưởng nho giáo đã trở thành chính thống và bắt rễ trong cuộc sống ở mỗi làng quê thì hương ước chính thức ra đời như môt hiện tượng nông thôn Việt Nam cổ truyền”[1]. Còn đối với vùng Thuận Quảng thì “Từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trở vào đến Bình Thuận, Ninh Thuận phần lớn các làng xã được thành lập vào thế kỷ XV về sau. Sang đến thế kỷ XVIII, XIX thì vùng đất này đã xuất hiện nhiều hương ước-khoán ước”[2].

Đó là về hương ước, còn tục lệ nói chung thì khi có con người sinh sống trên mảnh đất này đã được đưa ra để thực hiện trong quá trình sinh sống ở mảnh đất Thừa Thiên Huế cũng vậy; trước khi châu Ô và châu Lý thành một bộ phận của nước Đại Việt thì trước đó dân tộc Champa đã sinh sống và cũng có những luật lệ riêng của họ, khi người Việt vào đây để khai phá thì lại mang theo những tập tục ở địa phương theo kết hợp với những điều thực tế hiện có để phù hợp với lối sống mới. Mỗi làng lại có một lệ làng quy định riêng của làng mình để phù hợp với đời sống cũng như tập tục con người ở tại đó. Nhưng đa số các lệ làng đều đưa ra quy định để bà con đoàn kết, yêu thương nhau, xóm làng hòa thuận, bảo vệ của công, giữ gìn an ninh trật tự trong làng……

2.  NHỮNG BIẾN ĐỔI TRONG LỆ LÀNG Ở THỪA THIÊN HUẾ HIỆN NAY

Quá trình thay đổi lệ làng không phải từ trong làng mà ra, do quá trình xâm lược của thực dân Pháp làm nên cái gọi là “hương ước cải lương” nó tác động vào đời sống của người dân. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khi xem xét sự tự trị của các làng thì gọi đó là những nước cộng hòa nhỏ.

 

Trải qua chiều dài của lịch sử, Thừa Thiên Huế là đất thủ phủ rồi kinh đô của cả nước. Mảnh đất này đã chứng kiến bao nỗi thăng trầm của nhà nước và xã hội Việt Nam. Con người nơi đây cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của những biến đổi đó của nhà nước. Thừa Thiên Huế là nơi chứng kiến sự thoái lui của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Nên có thể nói những mặt của xã hội xưa cũng được bảo lưu ít nhất cho đến năm 1945.

Thừa Thiên Huế cũng như trên mảnh đất hình chữ S này, con người đã phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn phá làm cho con người ta không thể sống trên làng quê của mình được, có khi cả làng phải đi di tản ở nơi khác để tránh sự ném bom, bắn phá của kẻ thù xâm lược. Bên cạnh đó, do chiến tranh liên miên nên các lệ làng không có cơ hội được thực hiện do sự tản mạn nơi sinh sống của con người….bên cạnh đó là cả nước, không riêng gì người dân xứ Huế không ngoài một nhiệm vụ đó là đánh đuổi giặc bảo vệ quê hương làng xóm và đất nước.

Khi hòa bình lập lại cũng là lúc xã hội và chế độ nhà nước đã thay đổi từ một nước phong kiến chuyển sang nhà nước dân chủ tiến bộ. Các quy định của xã hội mới cũng đã thay đổi, điều đó tác động mạnh mẽ vào lệ làng trong giai đoạn mới. Cùng sự tiếp xúc mạnh mẽ của các làn sống văn hóa trên thế giới , bên cạnh đó là sự di cư đi nơi khác sinh sống ảnh hưởng đến tư tưởng và nếp sống. Các báo đài, phương tiện truyền thông dần dần được phủ sóng khắp các làng quê của Thừa Thiên Huế điều đó làm cho các lệ làng cũng vơi bớt đi phần nào tính chất tự quản của nó.

Hiện nay toàn xã hội đang thực hiện lối sống văn hóa, làng văn hóa, đã có những quy định cụ thể nên trong làng nào cũng phấn đấu để đạt được làng văn hóa “Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam khuyến khích việc xây dựng các hương ước mới, các quy ước làng văn hóa”[3]. Trong quá trình đi khảo sát một số làng ở Thừa Thiên Huế thì chúng tôi cũng nhận được câu trả lời của những trưởng làng (trưởng thôn) nói rằng: Hiện nay xã hội tiên tiến nên có nhiều quy định mới để phù hợp với thời đại, xu hướng mới và phải phù hợp với pháp luật cũng như những quy định của nhà nước.

Các hương ước của các làng hiện nay được văn bản hóa và được đưa ra bàn luận rất kỹ càng để phù hợp với lối sống của người dân tại địa phương cũng như không trái với Pháp luật của nhà nước. Các hương ước của các làng được văn bản hóa và được chính quyền địa phương thông qua. Nhưng nói chung tất cả đều hướng đến những gì thuận lợi cho người dân cũng như đảm bảo cho sự phát triển ổn định của làng, thôn xóm mình.

Với tính chất quản lý đã thay đổi nó không còn mang tính chất quản lý như ngày xưa nữa. Ngày xưa nếu làm sai có khi bị đuổi ra khỏi làng hay khỏi nơi cư trú đó là một việc hệ trọng. Thời phong kiến mặc dù nói quản lý đến làng xã nhưng việc áp dụng luật lệ của làng vẫn còn mang tính phổ biến, nó song hành tồn tại cùng với pháp luật của nhà nước như một điều hiển nhiên vậy. Tuy nhiên ngày nay, với chính sách sống và làm việc đúng pháp luật thì các lệ làng đã bị giảm thiểu đi bớt đi những đặc tính tự quản riêng của nó. Cùng với đó là việc bình đẳng, tự do ngôn luận giúp phần nào xóa đi những luật lệ mà theo người dân thì không phù hợp.

3. KẾT LUẬN

Có lẽ nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, ngày nay với cuộc sống của ánh sáng thời đại mới khi đã có “hàng tá” các luật của nhà nước đã được ban hành thì lệ làng còn tồn tại để làm gì? hay nó có cần với cuộc sống người dân nữa không?. Với các nhà nghiên cứu và chúng tôi thì tin chắc rằng những làng xã hiện nay ở Thừa Thiên Huế thì vẫn rất cần sự duy trì đó vì nó có thể thông qua đó làm cho người dân thấu hiểu được pháp luật nhà nước một cách nhanh hơn và gần gũi hơn. Trong khi những bộ luật của nhà nước dày và mang tính hành chính quá nên người dân khó mà “tiếp cận”. Điều đó sẽ làm cho người dân có thể thực hiện đầy đủ pháp luật của nhà nước và người dân thấy được rõ hơn. Hiện nay các luật lệ và hương ước thành văn đều được các cấp chính quyền phê duyệt mới đưa vào áp dụng. Đây cũng là một điều để người dân cùng chính quyền tìm ra những điều không hợp lý để bỏ đi mà thực hiện những điều tốt, góp phần xây dựng xóm làng, quê hương ngày càng giàu đẹp và luôn giữ được bản sắc của làng quê Việt.

Nhà nước phải có những  “ứng xử” sao cho phù hợp với các lệ làng, lòng dân thì khi đó mọi chính sách mới được thông qua để được mềm hóa mà vào lòng dân. Còn đối với những lệ làng mà được xem là mê tín tốn kém, ảnh hưởng đến cảnh quan…thì cũng cần phải có những biện pháp tuyên truyền mềm dần dần chứ áp dụng cứng ngay chắc có lẽ sẽ sinh ra nhiều chuyện ví như việc đốt vàng mã trên địa bàn Thừa Thiên Huế và vấn đề cúng bái quá nhiều hay để người đã khuất trong nhà quá lâu….hay vấn đề ăn uống cưới xin linh đình…Vì với quan niệm “đời người chỉ có một lần”, ai cũng suy nghĩ như vậy nên việc cưới xin dù vay mượn thế nào cũng phải lo cho to, cho nở mặt nở màyhay như quan niệm làm đám tang cho người đã khuất cũng vậy, người ta muốn lo cho tươm tất để người ra đi được ngầm cười nới chín suối và người ở lại cũng mát mặt, an lòng.

Đoàn Anh Thái

 

[1]. Nguyễn Quang Ngọc (2009), Một số vấn đề làng xã Việt Nam, Sđd, tr.91-92.

[2]. Phan Đại Doãn (2008), Làng xã Việt Nam một số vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, Sđd, tr.168.

[3]. Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2 (2002), Sđd, tr.677.

 

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: