Virus Ebola và bệnh gây ra do virus Ebola

Bệnh do virus Ebola bị gây ra bởi bốn trong nhóm năm loài virus Ebola, họ Filoviridae, bộ Mononegavirales. Những loại virus đó là Bundibugyo virus (BDBV), Ebola virus (EBOV), Sudan virus (SUDV) và Reston virus (RESTV).

1. Đặc tính virus học

Virus Ebola là một nhóm các tác nhân virus lạ gây bệnh sốt xuất huyết nặng ở người và các động vật linh trưởng. Virus Ebola thuộc họ Filoviridae, bộ Mononegavirales. Bốn loài virus Ebola được đặt tên theo vị trí địa lý nơi những loại virus này lần đầu tiên được xác định gây ra sự bùng phát của bệnh là Zaire, Sudan, Reston, và Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà) với các tên gọi theo đúng địa danh mà virus này gây bệnh dịch là Bundibugyo virus (BDBV), Ebola virus (EBOV), Sudan virus (SUDV) và Reston virus (RESTV). Virus Ebola có liên quan rất chặt chẽ, nhưng hoàn toàn khác biệt với virus Marburg. Tên Virus Ebola lấy từ tên con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Côngô nơi mà Bệnh Ebola được phát hiện lần đầu vào năm 1976, với hai đợt bùng phát dịch xảy ra đồng thời, một ở một ngôi làng ven sông Ebola, Cộng hòa Dân chủ Côngô, và một ở khu vực xa xôi hẻo lánh ở Sudan.

Các Filoviruses đa hình thái, hầu hết các hạt virus, hoặc virion, có dạng sợi mỏng. Một virion filovirus bao gồm một sợi ribonucleic acid (RNA) nằm bên trong capsid có bản chất protein của virus, phức hợp RNA-protein được bao quanh bởi bao ngoài có nguồn gốc từ màng ngoài của tế bào bị nhiễm bệnh. Trên bề mặt của virion có cấu trúc nhọn để virion nhận biết và gắn vào các phân tử thụ thể đặc hiệu trên bề mặt của các tế bào nhạy cảm, cho phép các virion xâm nhập vào các tế bào. Thông tin di truyền chứa trong các phân tử RNA chỉ đạo quá trình nhân lên của virus.

Virus Ebola có bao ngoài nên nhạy cảm với các dung môi hữu cơ như Ether, Chloroform, Xà phòng…

2. Khả năng gây bệnh

Bệnh do virus Ebola (từng được biết đến là bệnh Sốt xuất huyết do virus Ebola) là bệnh nguy hiểm, thường dẫn đến tử vong, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Bệnh tấn công người và động vật có vú (khỉ, gôrila, tinh tinh). 

2.1. Ổ chứa mầm bệnh

Mặc dù nhiều thông tin về tác nhân của bệnh sốt xuất huyết Ebola, hệ sinh thái của virus Ebola vẫn còn là một bí ẩn. Các vật chủ tự nhiên của filoviruses vẫn còn chưa biết đầy đủ, có thể là ở các loài tinh tinh, gorilla, khỉ, dơi ăn quả, dơi hút máu… và có rất ít tiến bộ ở làm sáng tỏ các yếu tố dẫn đến sự bùng phát hoặc xác định nguồn filoviruses trong tự nhiên. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh của con người là tương đối hiếm và đã được giới hạn cho những người sống ở vùng xích đạo châu Phi hoặc làm việc với nguồn virus truyền nhiễm. Bệnh nhân trở thành nguồn lây bệnh ngay sau khi họ bắt đầu có triệu chứng. Nhưng trong thời gian ủ bệnh họ không có khả năng lây lan.

2.2. Đường lây truyền bệnh

Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, virus lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới.

Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Cán bộ y tế rất có nguy cơ nhiễm virus Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp. Cán bộ y tế cần được trang bị kiến thức cơ bản về điểm của bệnh, đường lây truyền và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

Nguồn Bộ Y tế

2.3. Dấu hiệu đặc trưng và triệu chứng của bệnh do virus Ebola

Thời gian ủ bệnh, hay thời gian từ khi nhiễm virus đến khi xuất hiện triệu chứng, là từ 2 – 21 ngày. Sau đó bệnh khởi phát với sốt đột ngột, vô cùng mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng là những dấu hiệu và triệu chứng điển hình. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan, và ở một số trường hợp có xuất huyết nội và ngoại. 

Biểu hiện trên da có thể bao gồm: phát ban đốm diện rộng, đốm xuất huyết, xuất huyết ban, các vết bầm máu, và máu tụ.

Đối với những người nhiễm virus Ebola, các xét nghiệm cận lâm sàng cho kết quả như sau:

+ Công thức máu: Lượng bạch cầu, tiểu cầu thường giảm

+ Xét nghiệm sinh hóa: Tăng AST, ALT. Creatinin và ure có thể tăng trong thời gian tiến triển của bệnh

+ Đông máu: Rối loạn đông máu và đông máu nội mạch rải rác

+ Nước tiểu: protein niệu

+ Xét nghiệm phát hiện căn nguyên: Tìm kháng nguyên, kháng thể, PCR và nuôi cấy virus. Bệnh do virus Ebola chỉ có thể được chẩn đoán xác định thông qua xét nghiệm phát hiện căn nguyên virus.

2.4. Tình hình dịch bệnh hiện nay

Theo con số thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến hết ngày 10/8, trên thế giới ghi nhận 1779 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có 961 trường hợp tử vong tại 4 nước thuộc Tây Phi. Đặc biệt WHO cũng ghi nhận trên 200 cán bộ y tế đã lây nhiễm virus này.

Tại Việt Nam, theo thông tin của Bộ Y tế đến thời điểm hiện tại chưa có trường hợp nào bị nhiễm virus Ebola.

3. Dự phòng và điều trị

3.1. Dự phòng

Hiện chưa có vacxin phòng bệnh do virus Ebola. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện đang là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do virus Ebola.

Các biện pháp phòng lây nhiễm

Do virus Ebola lây truyền từ người sang người, các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh.

Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Theo dõi và tuân thủ các hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành

Nếu nghi ngờ một ai đó nhiễm virus Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Nếu có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc virus Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm và cách tiêu hủy PPE sau khi sử dụng.

Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng  hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng  của người bệnh.

Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola (ví dụ như: dơi ăn quả, khỉ, hay vượn) tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh.  Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chin kỹ trước khi ăn.

Nguồn Bộ Y tế

Đối với cán bộ y tế phải tự bảo vệ  để tránh nguy cơ mắc bệnh khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Ebola

Cán bộ y tế khi chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các đối tượng khác.

Ngoài các biện pháp phòng ngừa chung, cán bộ y tế cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn đã khuyến cáo nhằm tránh phơi nhiễm với máu, dịch tiết của người bệnh hoặc môi trường hay vật dụng của người bệnh bị ô nhiễm như: khăn trải giường hay kim tiêm đã qua sử dụng.

Cán bộ y tế cần sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như áo choàng, găng tay, khẩu trang y tế và kính bảo hộ.

Không nên sử dụng lại các phương tiện phòng hộ đã qua sử dụng nếu chưa được khử trùng đúng cách.

Cần thay đổi găng tay khi chăm sóc cho từng bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Ebola..

Các quy trình điều trị, chăm sóc y tế có thể làm cho bác sĩ, y tá hay cán bộ y tế khác dễ phơi nhiễm với bệnh cần được thực hiện trong điều kiện an toàn và nghiêm ngặt.

Cần cách ly bệnh nhân mắc bệnh do virus Ebola khỏi các bệnh nhân khác và người khỏe mạnh.

Thi thể của người chết do nhiễm virus Ebola cần được xử lý với phương tiện bảo hộ phù hợp và phải mai táng ngay bởi cán bộ y tế công cộng được đào tạo về thực hành mai táng an toàn.

Bệnh phẩm sử dụng để chẩn đoán là máu được bảo quản trong môi trường vận chuyển và tuân theo quy định an toàn vận chuyển virus lây truyền qua đường máu.

3.2. Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.

Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

3.3. Hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới để bảo vệ sức khỏe người dân trong thời gian xảy ra dịch bệnh do virus Ebola

Để chuẩn bị ứng phó và phòng chống dịch bệnh do virus Ebola. Tổ chức Y tế thế giới đã triển khai các hoạt động, gồm:

Giám sát dịch bệnh và chia sẻ thông tin giữa các khu vực để phòng tránh sự lây truyền của dịch bệnh;

Hỗ trợ kỹ thuật để điều tra và khống chế các mối đe dọa của dịch bệnh tới sức khỏe- như hỗ trợ thực địa để phát hiện người nhiễm và theo dõi các mô hình dịch bệnh;

Khuyến cáo các biện pháp phòng và điều trị bệnh;

Cung cấp chuyên gia và phân phối các trang thiêt bị y tế (như phương tiện phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế), khi được yêu cầu;

Truyền thông nâng cao nhận thức về đặc tính của bệnh, các biện pháp phòng chống lây nhiễm, và

Khởi động mạng lưới các chuyên gia quốc tế và khu vực để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật khi được yêu cầu, và giúp giảm các tác động tới sức khỏe, cũng như hạn chế các trở ngại tới du lịch và giao thương quốc tế.

 

PGS.TS. Trần Đình Bình

Trưởng khoa KSNK, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Peters, C. J., and J. W. LeDuc. “An Introduction to Ebola: The Virus and the Disease.” The Journal of Infectious Diseases no. 179 (Supplement 1, February 1999): ix–xvi. 

2. Website Tổ chức y tế thế giới: http://www.who.int/

3. Website Bộ Y tế: http://www.moh.gov.vn/

Người cập nhật: Đinh Văn Chung

Các bài viết khác: