Xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ: Từ nhận thức đến hành động (15/11/2011)

Tại Đại hội Đại biểu tỉnh đảng bộ lần thứ 14, chúng tôi đã phát biểu về việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành trung tâm khoa học và công nghệ như một giải pháp mang tính đột phá để đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương của tỉnh nhà. Trong bài phát biểu đó, chúng tôi đã thử mường tượng hình ảnh Thừa Thiên Huế trong tương lai khi đã là một trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Khi đó, thành phố Huế tương lai (để phân biệt với thành phố Huế là tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay) sẽ có đội ngũ khoa học xuất sắc, nổi tiếng, với số lượng lớn các công bố quốc tế, các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận ở Việt Nam và một số nước khác, sẽ có một số nhà khoa học đạt giải thưởng khoa học cấp nhà nước hoặc giải thưởng khoa học quốc tế. Thành phố Huế tương lai là địa phương có trình độ, năng lực về công nghệ cao hơn mức trung bình cả nước, có những công nghệ mang chỉ dẫn địa lý Huế, do chính người Huế, hoặc người đang làm việc ở Huế nghiên cứu, phát triển. Trên địa bàn thành phố sẽ có các tổ chức khoa học và công nghệ mạnh, có các phòng thí nghiệm chuyên sâu, hiện đại, có trường đại học có tên trong daanh sách top n của thế giới (n là 50, 100 hay 200…phụ thuộc vào mức dộ lãng mạng của chúng ta), đem đến danh tiếng khoa học cho thành phố. Khi giới khoa học nói về một lĩnh vực chuyên sâu nào đó, người ta phải nhắc đến thành phố Huế, đến những người Huế; thành phố Huế sẽ là nơi hội tụ, hấp dẫn các nhà khoa học khắp mọi miền đát nước, thậm chí từ khắp nơi trên thế giới đến làm việc, dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế hoặc chỉ để gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học cảu địa phương. Là trung tâm khoa học và công nghệ, thành phố Huế phải sống được và phát triển bằng các sản phẩm khoa học và công nghệ. Thành phố Huế tương lại là nơi các thành tựu của khoa học và công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất, đưa năng suất, hiệu suất và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương ngày một cao hơn. Hay nói một cách khác, khoa học và công nghệ có đóng góp thiết thực và quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ môi trường của địa phương.

Khi tưởng tượng hình ảnh của thành phố Huế tương lai là trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước, chúng tôi nhận thức được rằng hiện tại chúng ta chưa phải là trung tâm khoa học và công nghệ và rằng không hề có một tiêu chuẩn nào, và không hề có một cơ quan cấp quốc gia nào có thẩm quyền hay một tổ chức quốc tế có uy tín nào xem xét, công nhận một tỉnh hay một thành phố là trung tâm khoa học và công nghệ. Mà đó là sự thừa nhận xã hội đối với thành tích khoa học của một địa phương,của một đội ngũ khoa học. Chỉ có đội ngủ khoa học với thành tích khoa học nổi bật, xuất sắc mới làm nên danh tiếng cho vùng đất. Không có các tiêu chí được du di, được mắc nợ. Để được xã hội thừa nhận là trung tâm khoa học và công nghệ cần có thời gian để xây dựng đội ngũ, để xây dựng mới hoặc nâng cấp các tổ chức khoa học và công nghệ, để tích tụ thành tích khoa học, tích tụ danh tiếng khoa học, để tạo điều kiện cho khoa học và công nghệ tác động và thúc đẩy nền kinh tế, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Có nghĩa là, trung tâm khoa học và công nghệ không thể hình thành ngay lập tức hoặc trong một thời gian ngắn, ngay cả khi tỉnh Thừa Thiên Huế đã là đô thị quan trọng của cả nước. Đó là điểm quan trọng nhất trong nhận thức cần thống nhất.

Có nhận thức như vậy để chúng ta yên tâm phấn đâu, xây dựng, không sốt ruột, nóng vội, cũng không tự ti, bi quan. Tuy nhiên còn phải nhận thức thêm rằng, so với hiện tại, để trở thành hay được thừa nhận là trung tâm khoa học và công nghệ, chúng ta còn rất rất nhiều việc phải làm và mặc dù không sốt ruột, nhưng chúng ta phải hành động ngay hôm nay nếu không sẽ để vuột mất cơ hội, sẽ không kịp.

Nhận thức đúng là điều kiện, là cơ sở để có hành động đúng. Chúng ta chưa phải là trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước nhưng ít ra chúng ta đã có những tiền đề. Đó là hệ thống các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu và triển khai thuộc mọi thành phần kinh tế, đa ngành, đa lĩnh vực mà dẫn đầu là các ngành khoa học xã hội và y học. Đó là đội ngũ khoa học và công nghệ hùng hậu, đứng thứ ba tỏng cả nước về số lượng. Đó là các phòng thí nghiệm lớn, nhỏ, trong đó có nhiều phòng thí nghiệm lớn về qui mô và khá mạnh về năng lực của Đại học Huế cũng như của địa phương.

Để xây dựng thành công trung tâm khoa học và công nghệ, một mặt chúng ta cần dựa vào những tiền đề có sẵn, vun đắp thêm, nâng cấp lên, đồng thời mạnh dạn xây dựng những thiết chế mới, hoàn toàn mới theo định hướng đã được xác định với quyết tâm cao hơn, biện pháp mạnh hơn. Cả hai nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp các tổ chức trung tâm khoa học và công nghệ hiện có và xây dựng các thiết chế  khoa học và công nghệ mới đều quan trọng như nhau, có tác động tương hỗ lẫn nhau, không thể xem nhẹ nhiệm vụ nào. Các nhiệm vụ này bao gốm rất nhiều hành động khác nhau, mà ở đây, trong khuôn khổ bài phát biểu này, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh một số điểm.

Trước mắt, dưới sự chỉ đạo sát sao, ủng hộ mạnh mẽ của Thường vụ tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, chúng ta cần có một kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ nói chung, phát triển công nghệ cao nói riêng. Thời gian tính đến năm 2020 hoặc đến năm 2030 và kế hoạch đó có tính chất một kế hoạch khung, trong đó phải xác định được hướng phát triển và các dự án đầu tư ưu tiên cho cơ sở vật chất kỹ thuật và con người trong 10 năm, 20 năm tới. Đồng thời xây dựng kế hoạch 5 năm (2011-2015) với các dự án đầu tư cụ thể. Mục tiêu quan trọng nhất của 10 năm tới là xây dựng nguồn lực khoa học và công nghệ đủ mạnh, bao gồm một số thiết chế khoa học và công nghệ mới như Bảo tàng thiên nhiên khu vực Duyên hải miền Trung, Trung tâm Công nghệ cao Hồ Truồi. Bảo tàng thiên nhiên đã được thành lập, trung tâm Công nghệ cao đã được đưa vào chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện nghị quyết đạo hội lần thứ 14 của tỉnh đảng bộ. Đó là những bước đi, những kết quả ban đầu rất quan trọng.

Song song với các công trình đó là nhiệm vu xây dựng các chính sách, cơ chế phát huy trí tuệ của nguồn nhân lực và trang thiết bị hiện có. Khi xây dựng các chính sách, cơ chế Tỉnh cần coi nguồn lực khoa học và công nghệ hiện có và sẽ có của Đại học Huế và của Bênh viện Trung ương Huế là của tỉnh để đầu tư và hỗ trợ, để sử dụng và đãi ngộ, để đòi hỏi và tôn vinh. Lãnh đạo tỉnh cần lên kế hoạch vận động hành lang trong kế hoạch 5 năm này Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại tỉnh nhà. GS,VS Nguyễn Văn Hiệu ấp ủ hình thành một nhóm vật lý lý thuyết mạnh ở Huế. Tỉnh nên ủng hộ những ý tưởng như vậy, vì một khi nó được ủng hộ sẽ rất dễ kiếm được nguồn tài trợ (dù chỉ một phần).

Bên cạnh những việc lớn như trên, chúng tôi cũng xin đề cập đến mộ vài việc nhở hơn nhưng cụ thể, nếu làm được thì cũng không phải là nhỏ.

Việc thứ nhất liên quan đến đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ gốc Huế. Nhiều người ở nhiều diễn đàn khác nhau đã nói về việc chúng ta có một đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trình độ cao gốc Huế (cả những người không phải gốc Huế nhưng yêu Huế) đang làm việc, sinh sống ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương khác, nhiều trí thức khác đang làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở nước ngoài. Họ có nguyện vọng tha thiết được phụ vụ quê hương, được cống hiến, được sử dụng. Làm sao sử dụng được đội ngũ này? Làm gì để khai thác được nguồn lực quan trọng này? Trăn trở, sốt ruột và đặt câu hỏi, nhưng chưa thấy ai đề xuất một việc làm cụ thể nào đối với tài sản quý giá đang bị lãng phí này: Lập danh sách các nhà trí thức gốc Huế. Trước mắt là những người ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là trí thức gốc Huế ở nước ngoài. Khi có trong tay danh sách trí thức Huế kiều rồi, chúng ta sẽ đề xuất những việc tiếp theo. Các cụ xưa nói rằng Đầu xuôi đuôi lọt mà.

Việc thứ hai liên quan đến các thủ tịch hành chính liên quan đến hoạt động các tổ chức khoa học và công nghệ mới. Nhiều người nói rất hay về việc phải tập hợp lực lượng khoa học và công nghệ, đặc biệt là lực lượng các nhà khoa học trẻ, phải tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học và công nghệ mới thuộc mọi thành phần để họ có thể hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau mà các tổ chức khoa học và công nghệ nàh nước đang làm không xuể. Thủ tục hành chính được ban hành là để tất cả mọi người phải tuân thủ, không thể khác được. Nhưng nếu những người thực thi hành chính có thái độ ủng hộ, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ có thể đóng góp sức lực trí tuệ, dù ít dù nhiều, cho địa phương, nếu bên cạnh nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước họ cần quan tâm đến nghĩa vụ lớn hơn, chung hơn là tập hợp lực lượng, khuyến khích, động viên các nhà khoa học, thì các qui định hành chính chỉ đơn thuần là các thủ tục.

Việc thứ ba liên quan đến giải pháp đẩy nhanh hoạt động đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào nông nghiệp, về nông thôn, đến với nông dân, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng và Chính phủ. Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ vốn rất eo hẹp đã dành một phần đầu tư đáng kể cho các dự án xây dựng các mô hình khoa học và công nghệ. . Có mô hình thất bại, nhưng có nhiều mô hình thành công. Tuy nhiên, các mô hình thành công ít được nhân rộng, ít được đưa vào cuộc sống. Gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ có sáng kiến đầu tư cho một loại dự án mới gọi nôm na là Dự án nhân rộng nhằm phát huy hiệu quả các mô hình khoa học và công nghệ đã thành công, tưởng là rất tốt đẹp, nhưng thực hiện chậm quá, qui mô dự án nhỏ hơn so với các dự án do các huyện đầu tư, thực hiện. Trong mấy anwm vừa rồi, có hai dự án được đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách khoa học và công nghệ. Bà con nông dân phấn khởi, chaaos nhận. Như vậy, đầu tư cho khoa học và công nghệ có hiệu quả. Nhưng làm sao để loại dự án này được đầu tư nhiều hơn, được thực hiện nhanh hơn? Vấn đề năm ở người (hay tổ chức) thực hiện còn mỏng quá. Đề nghị tỉnh dành một phần ngân sách từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ đầu tư cho chương trình Đưa thành tựu khoa học và công nghệ về nông thôn (tên của chương trình này có thể thay đổi cho sát hơn, hay hơn) với tư cách là chương trình con của chương trình Xây dựng nông thôn mới và kêu gọi các tổ chức khoa học và công nghệ tham gia thực hiện một cách rộng rãi.

Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ hết sức to lớn, khó khăn và lâu dài. Thay cho các tiêu chuẩn cụ thể, chúng tôi tưởng tượng hình ảnh của trung tâm khoa học và công nghệ Huế trong tương lai: những hình ảnh đầy lãng mạng nhưng không phải là không hiện thực.

Với ý chí và quyết tâm của Tỉnh trong tìm kiếm giải pháp, nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế vốn có để địa phương có thể phát triển bức phá trong những năm sắp tới, chúng tôi hy vọng rằng, nhiệm vụ xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ đã hình thành trong nhận thức, trong nghị quyết, trên giấy tờ, sẽ được tiếp tục bằng những hành động cụ thể, mạnh mẽ và quyết liệt của tất cả chúng ta. Với tư cách là tổ chức đại diện cho đội ngũ khoa học và công nghệ của địa phuwong, chúng tôi đã sẵn sàng để tham gia thực hiện các hoạt động cụ thể sẽ được phân công.


TS Đỗ Nam

 

Nguồn:  

Các bài viết khác: